Viện Kiểm sát: Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã tạo điều kiện nâng giá Robot Rosa

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 21/01/2022 16:36 GMT+7

Quang cảnh phiên tòa (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai không thông đồng nhưng đã tạo điều kiện cho các bị cáo khác nâng giá thiết bị.

Ngày 21/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và 7 bị cáo trong vụ án nâng giá thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố và các luật sư bào chữa, các bị cáo tại phiên tòa. Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định các bị cáo nguyên là lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã tạo điều kiện cho nhóm bị cáo tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) nâng giá thiết bị Robot Rosa.

Trong phần tranh luận, nhiều luật sư bào chữa cho rằng, trong vụ án này nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai không thông đồng với các bị cáo tại Công ty BMS trong việc nâng giá thiết bị Robot Rosa.

Đối đáp lại luận điểm trên, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, trong vụ án này, nhóm các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai không thông đồng nhưng đã tạo điều kiện cho các bị cáo khác nâng giá thiết bị. Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh thống nhất với bị cáo Phạm Đức Tuấn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) về việc liên doanh, liên kết trong việc lắp đặt Robot Rosa với giá thiết bị là 39 tỷ đồng không đúng thực tế. Trong khi thiết bị còn chưa được nhập về Việt Nam nhưng bị cáo Quốc Anh và bị cáo Tuấn đã có sự thống nhất với nhau ngay từ ban đầu về giá máy. Công ty BMS thông báo giá bao nhiêu thì lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai đồng ý giá bấy nhiêu và thể hiện trong dự án liên doanh, liên kết tháng 1/2017.

Sau khi thống nhất với bị cáo Tuấn về hình thức liên doanh, liên kết, bị cáo Quốc Anh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Khoa học và Đạo đức Bệnh viện Bạch Mai ngày 25/10/2016 để thông qua chủ trương triển khai đề án và quy trình phẫu thuật Robot Rosa, Robot Mako và được Hội đồng thống nhất thông qua. Tuy nhiên, về giá trị các hệ thống robot, đơn vị đối tác đặt máy và hình thức liên doanh, liên kết thì bị cáo Quốc Anh không đưa ra xin ý kiến của Hội đồng. Sau đó, bị cáo Quốc Anh đã phân công, chỉ đạo bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phụ trách kinh tế và Phòng Tài chính kế toán) để làm việc với Công ty BMS, đề xuất thủ tục liên quan, trình bản đề án và hợp đồng liên doanh, liên kết cho bị cáo Quốc Anh ký triển khai thực hiện, không tuân thủ quy trình, thủ tục theo quy định.

Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát đã khẳng định việc truy tố các bị cáo về tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là đúng người đúng tội, đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đã xem xét bối cảnh thực hiện đề án này vào thời điểm Luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện có hiệu lực, các quy trình quy định của pháp luật chủ yếu căn cứ vào Nghị định 43/2006, Thông tư 15/2007 còn chưa chặt chẽ, quy định còn thiếu cụ thể, trong quá trình áp dụng có nhiều cách vận dụng khác nhau, dẫn đến vi phạm trong việc lập các thủ tục trái quy định như: Quy định về chủ trương thống nhất của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn Bệnh viện không được hướng dẫn bằng văn bản cụ thể nào, không quy định cụ thể trách nhiệm của bệnh viện hay đối tác phải thẩm định giá thiết bị đưa vào liên doanh, liên kết, dẫn đến có sự cấu kết giữa Công ty BMS, Bệnh viện Bạch Mai và Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS để hợp thức chứng thư thẩm định giá.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng xét thực tế quá trình đầu tư nhập khẩu hệ thống robot, Công ty BMS còn phải chi phí thêm các khoản chi phí chuyển giao công nghệ, tập huấn, đào tạo bác sĩ… chưa tính các khoản lợi nhuận, dự phòng rủi ro. Các chi phí này trên thực tế là có thật, được xem là hợp lý nếu đối tác đặt máy nói chung và Công ty BMS có đầy đủ chứng từ, để được tính vào giá thiết bị hoặc đưa vào cơ cấu giá dịch vụ theo đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế do chi phí là dự kiến trong vòng đời của thiết bị, chi phí đã thanh toán thì không có chứng từ nên Công ty BNS phải che giấu, xóa giá nhập trên tờ khai hải quan và hợp đồng. Phía Bệnh viện Bạch Mai cũng đã không kiểm tra đầy đủ hồ sơ theo quy định, dẫn đến việc Công ty BMS thỏa thuận, cấu kết với đơn vị thẩm định giá là Công ty VFS hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã bỏ qua các hồ sơ, thủ tục khác làm căn cứ xác định nguyên giá theo quy định của Thông tư 45/2013/TT-BTC.

Sau khi kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng tại Tòa. Hầu hết các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn hối cải, nhận thức được sai phạm do mình gây ra và mong Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội, cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ… để cho các bị cáo hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình và xã hội.

Sáng 24/1, Tòa sẽ tuyên án.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước