Tuyên án vụ tham ô 50 tỷ đồng tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển

PV (Theo TTXVN)-Thứ năm, ngày 29/06/2023 19:36 GMT+7

VTV.vn - Hội đồng xét xử đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của quân đội, hành vi cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tuyên án vụ tham ô 50 tỷ đồng tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Chiều 29/6, sau 3 ngày xét xử vụ tham ô tài sản xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Tòa án Quân sự Thủ đô đã tuyên án sơ thẩm đối với cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển cùng các bị cáo khác.

Tòa xác định cựu Trung tướng Nguyễn Văn Sơn có vai trò chủ mưu trong vụ tham ô 50 tỷ đồng tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, làm thất thoát tài sản "đặc biệt lớn" nên nhận hình phạt nặng nhất.

Cùng về tội "Tham ô tài sản", Tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn 16 năm tù; Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển) 15 năm 6 tháng tù. Các bị cáo Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng) và Bùi Trung Dũng, (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh) cùng bị tuyên 15 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Kỹ thuật) 10 năm tù; Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính) 12 năm tù.

Tuyên án vụ tham ô 50 tỷ đồng tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Văn Sơn, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trả lời phần xét hỏi căn cước tại phiên tòa. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Theo Hội đồng xét xử, tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của bị hại, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của quân đội, hành vi cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử ghi nhận các bị cáo đã tự nguyện nộp lại 50 tỷ đồng đã tham ô. Trong quá trình công tác có nhiều huân, huy chương, gia đình có công với cách mạng..., Hội đồng xét xử đã cân nhắc các yếu tố giảm nhẹ về gia đình, thành tích cá nhân, đóng góp cho lực lượng của các bị cáo.

* "Rút ruột" ngân sách 50 tỷ đồng

Về diễn biến vụ án, đầu tháng 4/2019, Nguyễn Văn Sơn (thời điểm đó là Trung tướng, Tư lệnh Cảnh sát biển) đã có cuộc trao đổi với Hoàng Văn Đồng (Trung tướng, Chính ủy); Doãn Bảo Quyết (Thiếu tướng, Phó Chính ủy); Phạm Kim Hậu (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng); Bùi Trung Dũng (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh) về việc chỉ đạo Nguyễn Văn Hưng (Đại tá, Cục trưởng Kỹ thuật) rút 50 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cho quản lý hành chính năm 2019 phân bổ cho Cục Kỹ thuật để chi cho các thủ trưởng Bộ Tư Lệnh. Khi đó, tất cả đồng ý và không có ý kiến gì khác.

Sau đó, Nguyễn Văn Sơn, với vai trò là Tư lệnh Cảnh sát biển, đã gặp, trao đổi và yêu cầu Nguyễn Văn Hưng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật, khi thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị từ nguồn kinh phí trên, phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng.

Tuy nhiên, Hưng cho rằng, Cục Kỹ thuật chưa bao giờ thực hiện việc này, rút ra 50 tỷ đồng là rất lớn, khó thực hiện. Việc này phải thống nhất trong Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Cục Kỹ thuật mới thực hiện.

Sau khi Bộ Quốc phòng có điều chỉnh về việc giảm nguồn ngân sách chi cho quản lý hành chính năm 2019 từ 450 tỷ đồng, còn 444 tỷ đồng, để tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Hưng dễ thực hiện việc rút 50 tỷ đồng, Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo Bùi Văn Hòe cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang thiết bị của 4 Vùng cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật.

Tại phiên họp ngày 26/4/2019, Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển mở rộng đồng ý quyết nghị phân bổ nguồn ngân sách quản lý hành chính năm 2019 cho Cục Kỹ thuật số tiền 179,1 tỷ đồng. Ngày 4/5/2019, Nguyễn Văn Sơn ký quyết định giao dự toán ngân sách cho Cục Kỹ thuật 179,1 tỷ đồng và tiếp tục yêu cầu Hưng rút lại 50 tỷ đồng để chuyển về cho Bộ Tư lệnh. Chấp hành chỉ đạo của Nguyễn Văn Sơn, Hưng đã trao đổi và yêu cầu 6 trưởng phòng nghiệp vụ phải rút lại tổng sổ tiền 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cán bộ này đều báo cáo với Hưng là khó thực hiện.

Với vai trò là Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Hưng tiếp tục yêu cầu các trưởng phòng phải làm việc trên, xác định "việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển giao và phải hoàn thành".

Do đó, sau khi các phòng nhận được thông báo phân bổ ngân sách, căn cứ vào số tiền được thông báo, Hưng đã thống nhất và giao nhiệm vụ cho từng trưởng phòng về số tiền phải rút lại, với số tiền mỗi phòng từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, 6 trưởng phòng này đã phân chia nguồn ngân sách được giao thành 29 gói thầu, trong đó có 9 gói thầu được chia nhỏ có giá trị dưới 10 tỷ đồng, mục đích là để thuộc thẩm quyền Tư lệnh Cảnh sát biển phê duyệt theo quy định, không phải báo cáo Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, các trưởng phòng liên hệ với các nhà thầu thực hiện các bước theo quy định về đấu thầu hạn chế đối với 21 gói thầu; chào hàng cạnh tranh thông thường đối với 4 gói thầu, chỉ định thầu đối với 3 gói thầu và mua sắm trực tiếp đối với một gói thầu. Ngoài ra, căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của vật tư, thiết bị trong các gói thầu, các trưởng phòng đã chủ động đặt vấn đề với các nhà thầu để nâng giá vật tư, thiết bị đối với 24 gói thầu.

Để được tham gia dự thầu và trúng thầu, các doanh nghiệp đã đồng ý theo đề nghị và cùng các trưởng phòng thống nhất nâng giá vật tư, thiết bị hoặc trích lại lợi nhuận, từ giai đoạn khảo sát giá để xây dựng giá gói thầu.

Sau đó, Nguyễn Văn Hưng và Bùi Văn Hòe tham mưu, đề xuất Nguyễn Văn Sơn ký 29 hợp đồng với 21 doanh nghiệp. Trong số này, cơ quan điều tra xác định có 24 hợp đồng do 16 doanh nghiệp thực hiện liên quan đến việc rút lại 50 tỷ đồng.

Sau khi nhận được 50 tỷ đồng, Nguyễn Văn Sơn đã chia cho mình và Hoàng Văn Đồng, Phạm Kim Hậu, Doãn Bảo Quyết, Bùi Trung Dũng, mỗi người 10 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2020, Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng kèm hai file ghi âm phản ánh tiêu cực, tham nhũng của mình và một số người là thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Do vậy, Đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, xác minh các sai phạm.

Trong vụ án, 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật đều thừa nhận hành vi sai phạm trong việc chia nhỏ một số gói thầu; là người trực tiếp trao đổi, thống nhất với các nhà thầu để nâng giá vật tư, thiết bị trong một số gói thầu và đề nghị nhà thầu chuyển lại tiền.

Hành vi của các cán bộ này có dấu hiệu đồng phạm về tội "Tham ô tài sản", tuy nhiên, đều là vi phạm lần đầu, có mối quan hệ lệ thuộc, thực hiện theo mệnh lệnh của cấp trên, không có động cơ vụ lợi, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho rằng, không xem xét xử lý hình sự, mà xử lý nghiêm theo quy định hiện hành của Đảng và Quân đội cũng bảo đảm đủ tính răn đe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước