Chỉ cần bỏ ra từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng là có thể sở hữu những sản phẩm đồ chơi hình súng, lựu đạn đến các viên đạn nhựa. Những sản phẩm đồ chơi bạo lực, nguy hiểm này thậm chí đang được người bán quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, bất chấp những cảnh báo về tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Ngày 10/5, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa phát hiện 2 kho hàng kinh doanh tập kết số lượng lớn đồ chơi bạo lực tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội; bước đầu làm rõ hành vi vi phạm của chủ hàng.
Gần 2.000 sản phẩm đồ chơi mô hình súng bằng nhựa này là tang vật bị thu giữ khi lực lượng quản lý thị trường ập vào kiểm tra một kho hàng đồ chơi trẻ em trên địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: "Người bán sử dụng mạng xã hội bán hàng, tập kết ở ngoại thành để cung cấp đến các cửa hàng, không bán công khai".
Vì trực tiếp ảnh hướng đến sức khỏe, nên theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành thì mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường. Nhưng lô đồ chơi ở đây là lô hàng 3 không theo đúng nghĩa: không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được chứng nhận chất lượng và không có hóa đơn chứng từ. Điều nguy hiểm hơn, những món đồ chơi này nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực, không được tiêu thụ trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Mơ, Chủ kho hàng đồ chơi vi phạm bao biện: "Bọn em không biết đây là hàng vi phạm, chỉ lấy một ít về bán thôi".
Khi làm việc với cơ quan QLTT, những người kinh doanh hồn nhiên cho rằng những mặt hàng ở đây chỉ giống như đồ chơi thông thường nhưng thực chất đây là mặt hàng cấm kinh doanh tiêu thụ dưới mọi hình thức. Vì khi tiêu thụ những măt hàng bạo lực như thế này sẽ tạo thói quen và xu hướng thích bạo lực cho trẻ em. Đây là điều rất là nguy hiểm.
Vậy nhưng, có vẻ như những người kinh doanh mặt hàng này không mấy quan tâm đến điều đó. Vì với họ, cứ có người mua và tạo ra lợi nhuận thì sẽ tìm cách nhập hàng về để bán.
Theo khai nhận, một khẩu súng nhựa được nhập về chỉ với giá trên dưới 10.000 đồng. Và khi đến tay người mua, giá đã được thổi lên khoảng hơn 100.000 đồng. Lợi nhuận gấp cả chục lần nên chủ hàng sẵn sàng nhập về kho với số lượng lớn như thế này để bán ra thị trường.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng "phải ngăn chặn ở tận gốc chứ không thể để thả gà ra đuổi.
Hiện cơ quan quản lý thị trường đang hoàn tất hồ sơ để đưa lô đồ chơi bạo lực đi tiêu hủy. Ngoài việc bị tịch thu toàn bộ hàng hóa, chủ hàng còn bị xử phạt hành chính ở mức độ cao nhất theo quy định để răn đe các trường hợp khác, không tái diễn hành vi tương tự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!