Thủ đoạn lưu hành tiền giả khiến nhiều người dân nông thôn "sập bẫy"

Thế Phong-Thứ năm, ngày 02/03/2023 19:25 GMT+7

VTV.vn - Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân nông thôn, các đối tượng đã sử dụng tiền giả để chi tiêu hàng ngày. Vụ việc xảy ra ở tỉnh Hậu Giang.

Công an tỉnh Hậu Giang vừa chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân, truy tố 3 đối tượng về tội "Tàng trữ, lưu hành tiền giả". Điều đáng nói trước khi bị bắt, các đối tượng đã nhiều lần sử dụng tiền giả trót lọt.

Đêm 8/10/2022, Lê Văn Toàn ngồi nhậu tại một quán nhậu ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Toàn đã dùng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng mua trái cây và bị người dân phát hiện và giao cơ quan công an.

Thủ đoạn lưu hành tiền giả khiến nhiều người dân nông thôn sập bẫy - Ảnh 1.

Điều tra mở rộng, Công an tỉnh Hậu Giang bắt thêm 2 đối tượng là Phan Nguyễn Tuấn Kiệt, Phạm Thị Thái Chân. Kiệt và Chân thừa nhận dùng 10 triệu đồng tiền thật mua 80 triệu đồng tiền giả.

Tại cơ quan công an, Kiệt khai mua bán tiền trên mạng xã hội Facebook. Khi có khách hỏi, hai bên trao đổi thỏa thuận với giá 1 triệu đồng tiền thật lấy 3 triệu đồng tiền giả rồi bị can đóng gói, ship hàng cho khách.

Cũng trong năm 2022, Công an tỉnh Hậu Giang còn phá thêm một vụ án "Tàng trữ, lưu hành tiền giả", bắt 3 đối tượng là Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Văn Dũ và Nguyễn Hoàng Cẩm Nguyên cùng trú thành phố Hồ Chí Minh. Các đối tượng mua 50 triệu đồng tiền giả với giá 10 triệu đồng rồi xuống tỉnh Hậu Giang tiêu thụ.

Thủ đoạn lưu hành tiền giả khiến nhiều người dân nông thôn sập bẫy - Ảnh 2.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang làm việc với Nguyễn Hoàng Cẩm Nguyên. Ảnh: Báo Hậu Giang

Thiếu tá Lê Phước Trung - Phó Đội trưởng Đội Điều tra, phòng An ninh Điều tra, Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, thủ đoạn của nhóm đối tượng là cùng đi xe gắn máy xuống các chợ nông thôn lúc sáng sớm hoặc chiều tối, mua hàng hóa có giá trị nhỏ vài chục ngàn đồng để nhận lại tiền thật. Các đối tượng phía sau cảnh giới dùng tiền thật để mua hàng nhằm làm cho người bán không có thời gian kiểm tra, gây mất sự chú ý của người dân xung quanh. Khi bị phát hiện, các đối tượng tẩu tán tang vật, giải cứu đồng bọn tẩu thoát.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang, người dân có thể dùng tay kiểm tra các chi tiết chi tiết in nổi trên tờ tiền như dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và số mệnh giá.

Ở tiền thật, khi vuốt lên các chi tiết này có cảm giác nhám, ráp, còn đối với tiền giả thì khi vuốt có giác trơn lì. Đây là 2 trong số các cách đơn giản mà người dân có thể dùng để phân biệt tiền thật và tiền giả. Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, người dân nên báo cơ quan công an để phối hợp xử lý.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước