Ông Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị từ 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù

PV-Thứ tư, ngày 08/01/2025 20:19 GMT+7

VTV.vn - Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình đề nghị mức án đối với 5 bị cáo, trong đó có ông Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị tổng cộng từ 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù về 2 tội danh.

Chiều 8/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu đại biểu Quốc hội, cựu Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Lê Thanh Vân (cựu đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội), cùng 3 bị cáo khác kết thúc phần xét hỏi. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình công bố bản luận tội và đề nghị hình phạt đối với 5 bị cáo trong vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và từ 10 năm đến 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh từ 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù.

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị từ 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: PLO)

Bị cáo Lê Thanh Vân (cựu Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội) bị đề nghị mức án từ 7 năm đến 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch Nước) bị đề nghị mức án từ 13 năm đến 14 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Bị cáo Phạm Minh Cường (SN 1986, tức Cường "quắt", trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) bị đề nghị mức án từ 7 năm đến 8 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt của ba bản án trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Cường phải chấp hành hình phạt chung theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Vũ Đăng Phương (SN 1982, trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, lao động tự do) bị đề nghị mức án từ 6 năm đến 7 năm tù về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt với bản án trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Phương phải chấp hành hình phạt chung theo quy định của pháp luật.

Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân đã lợi dụng tư cách đại biểu Quốc hội để can thiệp vào công việc của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy giải quyết các vụ việc theo nguyện vọng của người gửi đơn, đồng thời nhận hoặc hưởng lợi vật chất từ các hành vi này.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2023, các bị cáo đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi tại nhiều địa phương như Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, và Hà Nội, thể hiện qua 5 vụ việc cụ thể.

Vụ thứ nhất, ông Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, qua đó ông "bảo kê" cho một nhóm giang hồ chuyên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khai thác cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Vụ việc thứ hai, ông Nhưỡng bị cáo buộc vào tháng 12/2020 và tháng 5/2021, bị can lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, chánh án, viện trưởng viện kiểm sát và giám đốc Công an TP Hà Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho vụ án tranh chấp đất đai đã bị TAND huyện Thủy Nguyên xử sơ thẩm, tuyên thua của Bùi Văn Thao (người làm thuê cho Cường "quắt").

Ông Nhưỡng sau đó hưởng lợi bộ cánh cổng nhà thờ bằng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng do Thao "biếu".

Tuy nhiên, tháng 6/2021, tòa phúc thẩm giữ nguyên nội dung sơ thẩm, buộc vợ chồng Thao phải bàn giao lại nhà đất.

Lúc này ông Nhưỡng tiếp tục hướng dẫn Thao gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Biết không có kết quả nên Thao dừng lại.

Trong vụ việc thứ ba, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã hướng dẫn doanh nghiệp làm đơn "kêu cứu" khẩn cấp để gỡ khó cho việc phê duyệt dự án Quế Võ 3 (tỉnh Bắc Ninh).

Sau khi nhận đơn của doanh nghiệp, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội viết phiếu chuyển đơn và sau đó nhận 300.000 USD, tương đương 6,9 tỷ đồng. Gia đình ông đã nộp lại toàn bộ số tiền này.

Vụ việc thứ tư xảy ra trong năm 2019, ông Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp đến UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha.

Ông Nhưỡng sau đó hưởng lợi một lô đất trị giá 1,8 tỷ đồng, và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này có giá 1,9 tỷ đồng.

Từ tháng 7 đến 10/2023, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác dự án và hưởng lợi 210 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong vụ án thứ năm, ông Nhưỡng và ông Vân còn "bắt tay", phân chia gọi điện cho lãnh đạo, gây áp lực cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh để "giúp đỡ" cho Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép thực hiện dự án, thăm dò, khai thác mỏ đất.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cáo buộc quá trình can thiệp, ông Nhưỡng và ông Vân đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp Trường Sinh. Trong đó ông Vân nhận 2 lần, tổng 60 triệu đồng. Ông Nhưỡng nhận 6 lần, tổng 210 triệu đồng.

Viện kiểm sát đánh giá, đại biểu Quốc hội đáng lẽ phải gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật, có lối sống lành mạnh, nhưng 2 ông Vân và Nhưỡng đã không đại diện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm, khách quan.

"Dù tại tòa, bị cáo Nhưỡng và Vân không thừa nhận vòi vĩnh đòi hỏi tiền, lợi ích vật chất nhưng qua lời khai của các bị cáo khác, tài liệu, chứng cứ đã thu thập, trích xuất trong quá trình điều tra, có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của các bị cáo", đại diện Viện kiểm sát tỉnh Thái Bình nói.

Số tiền các bị cáo hưởng lợi trong các vụ việc đều trên 1 tỷ đồng. Các bị cáo có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật nhưng vì lợi ích vật chất đã thực hiện hành vi phạm tội để trục lợi nên cần xử lý nghiêm.

Sau khi đại diện Viện kiểm sát đề nghị hình phạt đối với các bị cáo, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo tự bào chữa và luật sư của các bị cáo cũng tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Sai lầm lớn nhất của bị cáo là nhận 'cám ơn' 300.000 USD Ông Lưu Bình Nhưỡng: Sai lầm lớn nhất của bị cáo là nhận "cám ơn" 300.000 USD

VTV.vn - Chiều 7/1, phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu Đại biểu Quốc hội) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước