Nguy hiểm thói hành xử côn đồ, bạo lực

Xuân Sơn-Chủ nhật, ngày 10/12/2023 20:13 GMT+7

VTV.vn - Thời gian gần đây, thói hung hăng, hành xử theo kiểu côn đồ để giải quyết những xích mích dù là rất nhỏ đang có dấu hiệu diễn ra ngày càng phổ biến.

Nhẹ thì thương tật, tù tội, nặng thậm chí có thể mất mạng, là nỗi đau cho gia đình. Đây là những hậu quả nhiều người phải gánh chịu khi quyết định dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột phát sinh trong cuộc sống.

Tại một quán phở, cách đây ít hôm, chỉ vì một vài lời cà khịa bóng gió, 2 nhóm thanh niên đã lao vào ẩu đả khiến 1 người bị thương nặng ở vùng đầu. Hai đối tượng cầm đầu đã bị bắt giữ ngay sau đó. Tại cơ quan công an, đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự đã tỏ ra hối hận.

"Sự việc hôm đó đáng lẽ không đến mức như vậy, nhưng vì mất bình tĩnh, nóng tính nên tôi mới để xảy ra xô xát", đối tượng Nguyễn Văn Sơn, phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội, cho biết.

Ngoài vụ việc kể trên, nhiều vụ ẩu đả vì va chạm giao thông, ẩu đả vì chỗ đỗ xe hay vì ẩu đả chó thả rông… đã xảy ra với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Cơ quan công an nhận định, tất cả chỉ là những nguyên nhân hay những mâu thuẫn cá nhân hết sức vụn vặt . Tuy nhiên chỉ vì không kiềm chế được cơn nóng giận, không ít người đã hành động một cách tùy tiện, bất chấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự.

Nguy hiểm thói hành xử côn đồ, bạo lực - Ảnh 1.

Chỉ vì mâu thuẫn trên mạng, nhóm thanh thiếu niên đã hẹn nhau hỗn chiến.

"Những đối tượng gây rối có thể thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu trong nhóm tuổi từ 25 - 35, là nhóm tuổi có tiếp xúc, va chạm nhiều với xã hội. Chính vì quá trình hoạt động, va chạm nhiều nhưng lại thiếu hiểu biết về pháp luật nên khi gặp mâu thuẫn, xích mích họ rất dễ nổi nóng và có hành vi bạo lực", Trung tá Ngô Ngọc Nam, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, Công an quận Hà Đông, Hà Nội, cho hay.

Đặc biệt nguy hiểm khi gần đây đã xuất hiện các đối tượng như một nhóm thanh thiếu niên, chỉ vì mâu thuẫn trên mạng đã hẹn nhau hỗn chiến. Quá trình rượt đuổi nhau bằng xe máy trên đường còn sẵn sàng gây nguy hiểm cho những người không có liên quan.

Cơ quan công an đưa ra nhận định, thái độ của những người chứng kiến các vụ ẩu đả: coi đó là chuyện bình thường; đứng xem thay vì can ngăn; quay clip đăng lên mạng xã hội, thay vì dùng điện thoại báo công an đã vô tình cổ súy cho những hành vi bạo lực.

Giải pháp ngăn ngừa hành xử côn đồ

Có ý kiến cho rằng, có thể là do những áp lực căng thẳng trong cuộc sống không được giải tỏa. Vì vậy khi gặp những mâu thuẫn hay những xích mích dù là rất nhỏ nhặt, nhiều người đã có những hành động quá khích. Tuy nhiên, dù vì lý do gì, những hành vi bạo lực vẫn rất đáng bị lên án và cần phải loại bỏ. Vậy giải pháp nào để góp phần kiềm chế thói hung hăng của một bộ phận người dân?

Chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà cho rằng, nguyên nhân chính là do sự thiếu quan tâm trong giáo dục của gia đình, nhà trường và những ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội.

"Cách hành xử trên mạng ảnh hưởng một phần đến cách hành xử mà chúng ta ra ngoài đời thực. Trên mạng nhiều khi từ lời ăn, tiếng nói, cách hành xử ít khi bị kiểm soát so với bên ngoài đời sống thực. Vì thế trong đời sống bình thường, khi người ta gặp phải những tình huống đó thường bộc lộ ra tất cả những yếu tố mang tính bản năng của mình", ông Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý, cho hay.

Để góp phần kiềm chế thói hành xử hung hăng, bạo lực, gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống một cách thiết thực, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.

Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng mới đây đã tổ chức một chuyến đi thực tế dành riêng cho các thanh, thiếu niên hư. Các thanh thiếu niên được tham quan nơi ăn chốn ở, học tập, sinh hoạt và được gặp gỡ giao lưu với các học viên Trường Giáo dưỡng số 3 - Bộ Công an và Cơ sở xã hội Bầu Bàng thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố. Chuyến trải nghiệm ý nghĩa này đã thực sự giúp các em nhận ra nhiều điều.

"Người lớn phải làm gương. Những người làm cha mẹ phải làm gương cho con cái mình thông qua sinh hoạt gia đình, tránh cách hành xử côn đồ, hung hăng giữa vợ với chồng, giữa vợ chồng với con cái. Điều này phải tạo thành thói quen văn hóa trong gia đình của mình", ông Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý, nhận định.

Về phía chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để mỗi người dân, khi đối diện với những mâu thuẫn nảy sinh hàng ngày, cần hết sức bình tĩnh, suy xét, đánh giá sự việc để hành xử cho đúng. Lực lượng chức năng cũng cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bạo lực, gây rối.

Đà Lạt: Truy xét nhóm côn đồ hành hung người dân giữa quán nhậu Đà Lạt: Truy xét nhóm côn đồ hành hung người dân giữa quán nhậu

VTV.vn - Trong lúc cùng gia đình người thân ăn uống tại một quán thuộc Phường 4, TP Đà Lạt, một người đàn ông bị nhóm côn đồ hành hung trọng thương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước