Mỗi dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Đáng chú ý, những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao như thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại… có nguy cơ làm giả, buôn lậu rất lớn. Chính vì vậy, việc lên kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được các lực lượng chức năng hết sức quan tâm, sát sao kiểm soát.
Gia tăng gian lận thương mại với hình thức, thủ đoạn mới
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tăng mạnh và diễn biến khá phức tạp. Hàng nhập lậu, hàng cấm và hàng không rõ nguồn gốc lưu thông phổ biến trên thị trường, nhất là thị trường thương mại điện tử. Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, và phát hiện nhiều vụ việc, xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến đầu tháng 10, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, phát hiện gần 55.000 vụ, xử lý hơn 38.000 vụ vi phạm với tổng số tiền khoảng 712 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với phóng viên VTV Times, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh, Tổng cục QLTT đang tập trung cao độ vào công tác kiểm soát hàng hóa kinh doanh online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Riêng tại Hà Nội, số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cho thấy, trong tháng 10/2024, các lực lượng chức năng đã tiến hành thanh tra 2.572 vụ, phát hiện và xử lý 2.295 vụ vi phạm. Trong đó, có 1.669 vụ xử lý hành chính, 18 vụ bị khởi tố với 17 đối tượng. Cụ thể, có 232 vụ liên quan đến hàng cấm, hàng lậu; 183 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ; 1.880 vụ gian lận thương mại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách từ các vụ việc này lên đến gần 295 tỷ đồng.
Nhận định của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cũng cho thấy, quý 3/2024, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Dù số vụ do cơ quan Hải quan phát hiện bắt giữ giảm, nhưng tổng trị giá hàng hóa vi phạm tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số vụ do cơ quan Hải quan khởi tố tăng 25% và số vụ chuyển khởi tố tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam...các mặt hàng thực phẩm, thuốc lá điếu, lá thuốc lá tại các khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm, ngành Hải quan đã phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý: 12.949 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 23.757 tỷ đồng. Riêng trong quý III/2024 toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 4.748 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 7.584 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 10 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 39 vụ. Số tiền thu nộp NSNN 141,1 tỷ đồng.
Bắt đầu "lên dây cót" chống buôn lậu, hàng giả
Chỉ còn 3 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các lực lượng chức năng đang tích cực xây dựng và thực hiện kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết. Trong đó, các đơn vị đều chú trọng, tập trung vào các mặt hàng, đối tượng, địa bàn trọng điểm, quyết tâm kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm; đấu tranh đẩy lùi gian lận thương mại.
Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính
Đáng chú ý, Tổng Cục QLTT vừa ban hành Kế hoạch số 13/KH-TCQLTT về việc triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong đó, yêu cầu các đơn vị trong lực lượng phải xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm; tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại. Kế hoạch này sẽ triển khai từ hôm nay, ngày 1/11/2024 đến hết ngày 1/3/2025.
"Đặc biệt, Tổng cục QLTT đang tập trung cao độ vào công tác kiểm soát hàng hóa kinh doanh online như sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm", ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên VTV Times.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên VTV Times, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đánh giá, những tháng cuối năm 2024, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sẽ gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp. Nhất là vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới dự báo sẽ gia tăng ở khu vực biên giới đường bộ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia. Thêm vào đó, tại vùng biển Đông Bắc hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép dầu Diesel không có nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp và sản phẩm gia cầm dự báo gia tăng.
"Trong tháng 11 – 12/2024, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển, địa bàn nội địa, cảng hàng không quốc tế, hoạt động thương mại điện tử. Chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra một số mặt hàng trọng điểm như ma túy, thuốc nổ, vàng, ngoại tệ, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, xăng dầu, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng", đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết thêm.
Tại địa phương, điển hình là Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn.
Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra nhóm hàng hóa thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc lá điện tử, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng, sản phẩm thời trang; nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; gia súc, gia cầm; Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); đặc biệt chú trọng kiểm tra các mặt hàng cấm như pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu; sản phẩm động vật hoang dã...
Cùng với đó là kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm, thương mại điện tử. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ triển khai từ ngày 25/10 - 25/12, tiến hành hoạt động kiểm tra thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!