Không có “vùng cấm”, làm rõ những cái “bắt tay” trục lợi trong đại dịch

Thuỳ An-Thứ tư, ngày 01/06/2022 14:51 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh quan điểm “không có vùng cấm” trong xử lý những sai phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Thảo luận tại Quốc hội vào sáng nay (1/6), liên quan đến chính sách trong công tác phòng chống dịch, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng bất cứ một chính sách nào được ban hành cũng có nguy cơ bị lợi dụng trục lợi. Bởi vậy khi ban hành các chính sách nhất là các chính sách cấp bách phòng chống COVID-19, Quốc hội và Chính phủ cần hết sức quan tâm phòng chống nguy cơ này.

“Rất tiếc hành vi trục lợi chính sách trong phòng chống dịch đã xảy ra. Nó xảy ra dưới nhiều dạng khác nhau từ hoạt động phân phối các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng bị tác động bởi COVID-19 đến các hoạt động mang tính nhân đạo như giải cứu lao động về nước, đến các hoạt động mua bán sản xuất các thiết bị phòng chống dịch… khiến cử tri và dư luận bất bình”, ông Tám nêu.

Không có “vùng cấm”, làm rõ những cái “bắt tay” trục lợi trong đại dịch - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đặt dấu hỏi về sự có hay không việc bắt tay, cấu kết của những hành vi trục lợi trong đại dịch?

Đại biểu này cho biết những hành vi đó đã, đang và sẽ bị xử lý nghiêm minh, họ đã và đang đứng trước pháp định để chịu sự phán xử nghiêm khắc của pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo quản lý.

“Điều này thể hiện sự không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước mà còn chứng minh rằng không có “vùng cấm” trong quá trình xử lý các sai phạm. Cử tri, dư luận hết sức đồng tình, ủng hộ”, đại biểu đoàn Kon Tum khẳng định.

Song theo đại biểu Tám, cử tri vẫn băn khoăn đặt vấn đề đằng sau những hành vi đó là gì? Có sự bắt tay, cấu kết của những hành vi trục lợi này không? Nếu có sao lại có những cái “bắt tay” cấu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch? Những vấn đề đó cần được tiếp tục làm rõ trong quá trình xử lý những sai phạm trên.

Cũng liên quan đến vấn đề dịch bệnh, đề cập đến vấn đề vaccine trong nước, theo đại biểu Tám, từ tháng 5/2020, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu phát triển thử nghiệm vaccine của Việt Nam và kỳ vọng đến cuối năm, cuối quý III năm 2021 sẽ có vaccine của Việt Nam để sử dụng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy có vaccine thương hiệu của Việt Nam.

Chính vì vậy, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần đánh giá rõ thêm quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine ra sao? Có tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục nghiên cứu sản xuất như thế nào? Triển vọng vaccine của Việt Nam ra sao?

Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một hệ thống y tế tê liệt

Cũng liên quan đến những sai phạm trong công tác phòng chống COVID-19, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề chính là ngành y tế. Hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên, được xã hội ghi nhận. Bên cạnh đó, những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công tội phân minh.

“Vấn đề đặt ra là sau cơn bão dịch, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra thế nào”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Không có “vùng cấm”, làm rõ những cái “bắt tay” trục lợi trong đại dịch - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Ông Hiếu nêu rõ không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một hệ thống y tế tê liệt, những khó khăn như mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men không được cải thiện.

Đại biểu cũng bày tỏ trăn trở, sau đại dịch, con nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại của ngành y tế Việt Nam mà chúng ta vẫn loay hoay chưa tháo gỡ được. Việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế là nỗi lo của đa số các bệnh viện cả công và tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước