Ngày 10/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bình Thuận đã công bố quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bị can để điều tra và tiến hành khám xét nhà riêng ông Phan Đoàn Thái, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận và ông Bùi Đình Thoa, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT.
Cùng thời điểm, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cũng ra quyết định khởi tố bị can và khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Ngọc Cường, nhân viên Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT (ông Cường được áp dụng biện pháp ngăn chặn do đang bị bệnh hiểm nghèo).
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hồng Sơn (55 tuổi, quê quán tỉnh Bắc Ninh), Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC; đăng ký thường trú tại quận Long Biên, Hà Nội.
Trụ sở Sở Giáo dục và đào tạo Bình Thuận. (Ảnh: VOV)
Ông Nguyễn Hồng Sơn hiện đang bị truy nã theo Quyết định truy nã số 08/QĐTN-CSKT-P9 ngày 9/9/2022 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an nên cơ quan điều tra tống đạt quyết định về nơi cư trú.
Công an tỉnh Bình Thuận nhận định, cả 4 bị can trên đều bị bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ Luật hình sự.
Trước đó, vào trung tuần tháng 11/2024, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đối với ông Phan Đoàn Thái.
Ông Phan Đoàn Thái bị các cơ quan chức năng xác định có sai phạm liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC (Công ty AIC), có vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Phan Đoàn Thái. Thời gian thi hành kỷ luật bắt đầu từ ngày Quyết định số 1504-QĐNS-TW ngày 27/8/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng có hiệu lực.
Ngày 4/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với 3 gói thầu (Sở GD&ĐT tỉnh làm chủ đầu tư) do Công ty AIC trúng thầu.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận xác định các cá nhân tại Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông đồng với các cá nhân tại Công ty AIC, chỉnh sửa hồ sơ đấu thầu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.
Chênh lệch hàng tỷ đồng do đấu thầu sai
Theo kết luận thanh tra, 3 gói thầu do Sở GD&ĐT Bình Thuận làm chủ đầu tư đều là cấu hình các thiết bị phòng học thông minh do Công ty AIC cung cấp và hồ sơ dự thầu có một số tiêu chí không đạt nhưng đơn vị tự vấn đấu thầu vẫn chấm đạt, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.
Cụ thể, gói thầu mua sắm thiết bị phòng học năm 2016 giá trị là 12,453 tỷ đồng, trong khi giá đầu vào chỉ là 4,9 tỷ đồng, chênh lệch hơn 7,4 tỷ đồng.
Còn gói thầu mua sắm thiết bị phòng học thông minh năm 2017 giá trị hơn 12,6 tỷ đồng, trong khi giá đầu vào là 5,9 tỷ đồng, chênh lệch hơn 6,7 tỷ đồng.
Gói thầu mua sắm thiết bị phòng học thông minh cho 10 Trường THCS thuộc các xã nông thôn mới năm 2017 giá trị hơn 2,1 tỷ đồng, trong khi giá đầu vào là 899 triệu đồng, chênh lệch hơn 1,2 tỷ đồng.
Các hồ sơ dự thầu trên không đáp ứng hồ sơ mời thầu nhưng vẫn được chấm “đạt”, mời Công ty AIC thương thảo hợp đồng không đúng quy định.
Gói thầu mua sắm thiết bị phòng học thông minh cho 10 Trường THCS không đủ cơ sở để xác định giá gói thầu theo quy định, nhưng Sở GD&ĐT vẫn trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Kiểm tra ngẫu nhiên tại 26/131 trường học, kết quả là một số thiết bị Công ty AIC cung cấp không đúng theo hợp đồng đã ký.
Trong đó có thiết bị kiểm tra, đánh giá có xuất xứ Singapore, nhưng thực tế thiết bị không ghi xuất xứ hoặc có ghi nhưng ghi là xuất xứ Trung Quốc.
Một số trường học phản ánh tại thời điểm bàn giao thiết bị không sử dụng được từ lúc bàn giao. Hiện nay, nhiều trường không còn sử dụng các thiết bị này do bị hư hỏng hoặc không phù hợp với nội dung bài giảng và phần mềm hiện tại.
Ba gói thầu có giá thiết bị cung cấp cho các chủ đầu tư chênh lệch quá cao so với giá mua đầu vào của Công ty AIC (hơn 100%), với tổng số tiền hơn 15,4 tỷ đồng (giá trúng thầu hơn 27,2 tỷ đồng trong khi giá nhập khẩu hải quan và mua vào là 11,8 tỷ đồng).
Đáng chú ý, các thiết bị này đã được Công ty AIC mua trước khi trúng thầu và ký kết với Sở GD&ĐT.
Trong vụ án này, ít nhất 25 cá nhân có liên quan và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đang mở rộng điều tra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!