Các bị cáo tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Dân trí.
Sáng 28/10, tại phiên tòa xét xử vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại BIDV, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đó, đối với nhóm 8 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng (đều nguyên là Phó Tổng Giám đốc BIDV) cùng mức án từ 6-7 năm tù; Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) từ 4-5 năm tù; Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) từ 3-4 năm tù; Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 7-8 năm tù; Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 5-6 năm tù; Phạm Hồng Quang (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 4-5 năm tù; Đặng Thanh Nam (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 3-4 năm tù.
Đối với nhóm 4 bị cáo bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản", đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức xử phạt: Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) từ 12-13 năm tù; Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng) từ 18-19 năm tù; Trần Anh Quang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) từ 13-14 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam) từ 5-6 năm tù.
Ngoài án phạt tù, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị cấm 8 bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng BIDV hành nghề liên quan đến các hoạt động tín dụng trong thời hạn 2-3 năm, kể từ khi chấp hành xong án phạt tù. Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị tiếp tục kê biên tài sản của ông Trần Bắc Hà và con trai Trần Duy Tùng để đảm bảo thi hành án.
Bản luận tội của Viện Kiểm sát nêu rõ, hành vi của các bị cáo trong vụ án đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của ngân hàng, tạo dư luận xấu, số tiền thất thoát đặc biệt lớn. Trong số các bị cáo, Viện Kiểm sát đánh giá bị cáo Đoàn Hồng Dũng còn quanh co chối tội, các bị cáo còn lại đều thừa nhận hành vi, mong được giảm nhẹ hình phạt.
Viện Kiểm sát cáo buộc, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV) là người chịu trách nhiệm chính, thực hiện hành vi chỉ đạo xuyên suốt trong việc cho vay trái quy định gây thiệt hại cho BIDV số tiền 1.664 tỷ đồng. Trong đó, việc phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân cho Công ty Bình Hà gây thiệt hại cho BIDV hơn 799 tỷ đồng, Công ty Trung Dũng thiệt hại gần 865 tỷ đồng.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, Công ty Bình Hà là "sân sau" của ông Hà với mục đích làm dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh, vay vốn của BIDV. Công ty này do 3 cổ đông góp vốn song thực chất do Trần Duy Tùng (con ông Trần Bắc Hà, đang trốn truy nã) trực tiếp điều hành. Công ty Bình Hà không đủ điều kiện để được cấp tín dụng nhưng quá trình thực hiện hợp đồng và giải ngân, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh dưới sự chỉ đạo của ông Hà, đã 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng theo hướng bỏ qua một số quy định hoặc nới lỏng điều kiện.
Từ năm 2015 đến tháng 11/2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng song không kiểm soát được dòng tiền. Từ đó các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân.
Về hành vi cấp tín dụng và mở phát hành L/C cho Công ty Trung Dũng, đại diện Viện Kiểm sát cũng cho rằng chính ông Trần Bắc Hà có vai trò chính, là người chỉ đạo xuyên suốt. Công ty Trung Dũng có quan hệ tài chính với BIDV chi nhánh Hà Thành từ năm 2007. Đến năm 2011, công ty này bắt đầu làm ăn thua lỗ, đề nghị BIDV tái cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng để mua bán thép và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng với số tiền hơn 22 triệu USD.
Viện Kiểm sát cho rằng, ông Trần Bắc Hà đã gây áp lực để 4 bị can ở BIDV chi nhánh Hà Thành phê duyệt, giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 700 tỷ đồng và mở phát hành L/C theo món. Trong số 26 khoản giải ngân có 20 khoản không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo. Sau khi giải ngân, nhóm cán bộ BIDV cũng không kiểm tra dòng tiền, tài sản đảm bảo để Công ty Trung Dũng sử dụng tiền không đúng mục đích, tự ý bán tài sản đảm bảo L/C. Hậu quả, BIDV bị thiệt hại gần 865 tỷ đồng.
Chiều 28/10, các luật sư bắt đầu tham gia tranh luận tại phiên tòa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!