Đoàn đặc nhiệm Biên phòng miền Nam phối hợp với cơ quan chức năng của Campuchia và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Preah Sihanouk đã giải cứu thành công 5 công dân Việt nói trên.
Cách đây khoảng hơn một tháng, 5 công dân có hộ khẩu tại tỉnh Hải Dương đã tin theo lời giới thiệu rằng sang Campuchia sẽ có việc làm với mức lương từ 30 - 40 triệu đồng/tháng và quyết định vượt biên trái phép sang Campuchia. Tuy nhiên khi vừa sang đến nơi, họ bị ép làm việc trong một cơ sở kinh doanh trá hình, thực chất là dùng mạng xã hội để lừa đảo lại chính người Việt Nam ở trong nước.
Việc giải cứu 5 công dân này là nỗ lực của cơ quan chức năng cả hai nước Việt Nam và Campuchia, đặc biệt khi Tết nguyên đán đang tới gần. Trước khi được giải cứu, những người vượt biên sang Campuchia này phải làm việc 17 giờ/ngày nhưng không được trả lương và thường xuyên bị đánh đập.
Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên ở phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên. (Ảnh: TTXVN)
Với mong muốn đổi đời, thoát nghèo, nhiều người đã tin theo lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội để rồi trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo buôn bán người.
Theo đại diện Đoàn 3 Cục phòng chống ma túy, tội phạm, Bộ Tư lệnh Biên phòng, bằng thủ đoạn lập các trang mạng xã hội như "Hội người Việt tại Campuchia", "Tìm kiếm việc làm tại Campuchia", khi các công dân Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm việc làm, các đối tượng này đã kết bạn, dụ dỗ, dẫn dắt người dân xuất cảnh bằng cả đường chính ngạch và xuất cảnh trái phép, sau đó bán cho các chủ lao động nước ngoài khác đang thuê đất và kinh doanh tại Campuchia.
Việc đi làm, kiếm tiền là nhu cầu hết sức chính đáng của người dân, nhất là những gia đình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, việc xuất cảnh sang Campuchia để tìm việc làm thông qua các trang mạng xã hội và lời giới thiệu "mồm" tiềm ẩn nhiều hệ lụy rủi ro.
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, hàng chục nghìn lượt lao động người Việt Nam đã tìm đường sang Campuchia để tìm kiếm việc làm. Trong đó, có tới hàng nghìn người xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, khi sang đến Campuchia, thay vì nhận được mức lương như hứa hẹn, những người này đã bị trấn lột, ép làm việc, quỵt tiền lương, bị đánh đập, xích tay, trói, nhốt, thậm chí mất mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!