Giả mạo tướng Mỹ, lừa đảo "bạn Facebook" 400 triệu đồng

TTXVN-Thứ sáu, ngày 11/09/2020 11:20 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Hai đối tượng Hứa Thị Ngọc Trâm (sinh năm 1994) và Patrick Destiny Ifeanyi (sinh năm 1992, quốc tịch Nigeria) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo TTXVN, ngày 11/9, qua sự việc này, Công an Thành phố đề nghị người dân cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là trong thời gian qua, loại tội phạm này còn diễn biến phức tạp.

Theo nội dung vụ án, Hứa Thị Ngọc Trâm và Patrick Destiny Ifeanyi tạo một tài khoản Facebook với tên là Paul Hagen Reardon rồi kết bạn Facebook với bà H.T.K.A (thường trú quận Gò Vấp, TP.HCM), giới thiệu là tướng quân đội Mỹ. Sau thời dài gian "tâm sự" với bà A., hai đối tượng này hứa hẹn gửi cho bà A. 900.000 USD để tiêu xài.

Sau đó, Trâm giả danh nhân viên Hải quan gọi điện cho bà H.T.K.A yêu cầu đóng tiền phạt, tiền phí và tiền "bôi trơn"… để nhận số ngoại tệ trên khi về đến Việt Nam. Tin là thật, bà H.T.K.A chuyển gần 400 triệu đồng cho Trâm và Patrick. Sau khi chuyển tiền xong, số tiền ngoại tệ được hứa hẹn mãi không tới, nạn nhân mới báo cơ quan công an.

Vào cuộc điều tra, lực lượng công an đã bắt giữ Trâm và Patrick. Qua đấu tranh, cả hai thừa nhận hành vi phạm tội. Hai đối tượng còn khai có cấu kết với các đối tượng người nước ngoài gốc Phi tại Thailand, Philippines, Malaysia, Campuchia… sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Whatsapp giả mạo tướng Mỹ, doanh nhân, bác sĩ Liên hợp quốc… và sử dụng thủ đoạn trên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản các nạn nhân trong nước. Nhiều nạn nhân đã bị lừa chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng Việt Nam cho Trâm. Hiện Công an đang mở rộng điều tra vụ án.

Qua sự việc này, Phòng Tham mưu Công an TP.HCM (PV01) cũng phát đi thông báo đề nghị người dân cảnh giác. Theo PV01, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao hoạt động chủ yếu với các phương thức, thủ đoạn hack email của các công ty hoạt động mua bán và thanh toán tiền với các đối tác nước ngoài qua mạng Internet, sau đó, tạo một địa chỉ email gần giống với đối tác và giả email giao dịch, yêu cầu nạn nhân thanh toán chuyển khoản vào tài khoản của đối tượng tại Việt Nam hoặc nước ngoài để chiếm đoạt.

Hình thức thứ hai phổ biến hơn là kẻ lừa đảo làm quen thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… và nhắn tin làm quen với đa phần là phụ nữ lớn tuổi, có nhu cầu kết bạn và tiến tới hôn nhân. Sau thời gian làm quen, các đối tượng giả gửi quà (trong đó có nhiều ngoại tệ, vàng, bạc…) về Việt Nam cho nạn nhân. Sau đó, đối tượng thông báo cho nạn nhân quà đã bị Hải quan giữ lại, bắt buộc nộp thuế, phí… yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào tài khoản của người Việt Nam đứng tên làm thủ tục nhận quà nhưng thực ra là để chiếm đoạt tài sản.

Hình thức thứ ba không mới nhưng thời gian gần đây vẫn xảy ra gây thiệt hại không nhỏ cho người dân là kẻ lừa đảo gọi điện thoại cho nạn nhân tự xưng danh là đại diện cho cơ quan pháp luật (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát) thông báo nợ tiền cước điện thoại, tiền điện, tiền nước, liên quan đến một vụ án.

Các đối tượng dùng lời lẽ dọa nạt yêu cầu nạn nhân phải hợp tác phục vụ yêu cầu điều tra, nếu không hợp tác và làm theo hướng dẫn sẽ bị xử lý hình sự, đồng thời yêu cầu nạn nhân phải giữ bí mật, không được báo cho người nhà biết. Chúng dò hỏi thông tin cá nhân, số tài khoản, có những tài khoản gửi ở đâu và yêu cầu chuyển vào tài khoản cho "cơ quan pháp luật" kiểm tra, sẽ trả lại trong vài giờ. Sau đó, chúng cung cấp số tài khoản để chiếm đoạt tiền của nạn nhân gửi.

Một hình thức khác đang diễn biến phức tạp thời gian gần đây là lừa đảo bằng huy động tài chính thông qua mạng Internet, núp bóng dưới mô hình kinh doanh đa cấp có sử dụng các loại tiền ảo… do các băng nhóm tội phạm xây dựng. Các máy chủ này được đặt ở nước ngoài.

Các đối tượng lừa đảo tạo được hiệu ứng tâm lý số đông, đánh vào lòng tham của các nạn nhân rồi dụ dỗ, lôi kéo được nhiều người tham gia càng có cơ hội làm giàu nhanh, sau đó lấy tiền người sau trả cho người trước. Tới khi số lượng người tham gia mới không đủ để trả tiền lãi cho người cũ, chúng đóng hệ thống và "cao chạy xa bay" với số tiền lừa đảo.

Theo PV01, Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền đến người dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm công nghệ cao nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa không để bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đồng thời, tăng cường các biện pháp công tác để đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, đối tượng tội phạm này.

Hơn 4,7 triệu cuộc gọi điện thoại lừa đảo đã bị chặn Hơn 4,7 triệu cuộc gọi điện thoại lừa đảo đã bị chặn Khởi tố nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo hơn 80 tỷ đồng Khởi tố nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo hơn 80 tỷ đồng Phạt tù chung thân “trùm đa cấp” Thăng Long lừa đảo 36.000 người Phạt tù chung thân “trùm đa cấp” Thăng Long lừa đảo 36.000 người

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước