Hôm qua (30/3/2022), Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Mỹ đã tổ chức họp, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Lê Văn Tưởng để phản hồi về thông tin được Báo điện tử VTV News phản ánh, liên quan tới việc sang bán trái phép cho các hộ gia đình đất san lấp dành cho dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây.
Tham dự cuộc họp này còn có các ông Lê Văn Bình – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện; ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng Công an huyện và một số cán bộ khác có liên quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp thi công là Công ty CP 66 Gia Khang – đơn vị bị phản ánh có biểu hiện sai phạm đã không cử đại diện đến họp, dù đã được UBND huyện Cẩm Mỹ gửi giấy mời.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng đã xác nhận phản ánh của phóng viên VTV News là chính xác. Việc công ty CP 66 Gia Khang vận chuyển đất đá khai thác được từ dự án Hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng tại thị trấn Long Giao đem bán cho các công trình của các hộ cá thể thay vì phục vụ việc thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là có thật và hành vi này trái với chỉ đạo của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cũng cho biết, theo số liệu mà Công ty CP 66 Gia Khang báo cáo lại thì số lượng vật liệu san lấp bị bán trái phép là khoảng 30-40 xe. Tuy nhiên, UBND huyện chưa xác minh được tính xác thực của số liệu này.
Ngày 20/3/2022, phóng viên ghi nhận hình ảnh xe chở vật liệu san lấp phục vụ cao tốc bán cho công trình dân sinh trên địa bàn
Theo ghi nhận của phóng viên VTV News tại hiện trường, mỗi xe tải của công ty CP 66 chở được hơn 10-15 khối đất/chuyến. Một người dân thừa nhận việc mua lại đất này với giá 110.000 đồng/khối và họ đã được đổ cho 2.000 khối đất san lấp trong tổng số 5000 khối họ định mua. Đây không phải hộ duy nhất mua được đất san lấp từ công ty CP66. Phóng viên VTV News cũng đã ghi nhận được việc xe của công ty CP66 đổ đất san lấp ở một số hộ gia đình khác. Như vậy, thất thoát từ việc mua bán trái phép đất san lấp này, tối thiểu cũng đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Con số thất thoát có thể lớn hơn nhiều nếu sai phạm này đã diễn ra liên tục, trong thời gian dài.
Tuy nhiên, sai phạm này đã diễn ra từ bao lâu, quy mô thế nào lại chưa xác định được, bởi ông Lê Văn Bình – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cẩm Mỹ - đơn vị được phân công giám sát công ty 66 Gia Khang trong thực thi chủ trương về vận chuyển đất dôi dư của dự án Hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng tại thị trấn Long Giao cho dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, thừa nhận rằng ông mới chỉ biết được sai phạm này sau khi báo chí phản ánh cách đây vài hôm và mặc dù đã biết nhưng vẫn chưa tiến hành lập biên bản sai phạm và chưa có hình thức xử lý nào.
Được biết, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty CP 66 Gia Khang được đăng ký thu hồi khối lượng đất dôi dư từ dự án Hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng tại thị trấn Long Giao vào ngày 28/01/2022. Trong văn bản này ghi rõ: "…Khối lượng đất san lấp thu hồi được chỉ để phục vụ thi công dự án thành phần đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây...".
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 28/1/2022
Trong một diễn biến khác, ngày 28/3/2022 – tức là 2 ngày sau khi sai phạm được phản ánh trên báo chí, Ban Quản lý dự án Thăng Long – Chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, căn cứ kết quả xét nghiệm của đơn vị tư vấn các mẫu đất đá do công ty CP 66 Gia Khang khai thác, cung cấp, thông báo mẫu đất dôi dư của dự án Hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng tại thị trấn Long Giao không đạt tiêu chuẩn để dùng làm vật liệu san lấp nền cho cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây; và Công ty CP 66 Gia Khang cũng không thể cung cấp đủ khối lượng vật liệu san lấp cho công tác đắp nền.
Các nội dung này cho phép dư luận đặt vấn đề cơ sở nào để UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty CP 66 Gia Khang được đăng ký thu hồi khối lượng đất dôi dư từ dự án Hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng tại thị trấn Long Giao vào ngày 28/01/2022 để phục vụ việc san lấp, thi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây?
Văn bản của BQL Dự án Thăng Long xác định vật liệu không đủ tiêu chuẩn san lấp
Cần nhắc lại là cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia đang bị chậm tiến độ. Một trong các lý do là thiếu vật liệu san lấp làm nền cho đường cao tốc. Nếu chính quyền các địa phương có dự án đi qua không nêu cao trách nhiệm, không sát sao trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra việc chỉ định nhà thầu không đủ năng lực, khai thác vật liệu không đủ tiêu chuẩn và có sai phạm trong khai thác, vận chuyển vật liệu san lấp thì sẽ tiếp tục làm cho dự án trọng điểm chậm tiến độ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!