Chống nạn mua bán người: Giành lại những cuộc đời bị đánh cắp

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 24/07/2021 12:36 GMT+7

VTV.vn - Chương trình Sự kiện và bình luận đã phân tích thực trạng và hiệu quả phòng chống mua bán người - cuộc đấu tranh bảo vệ tương lai và giành lại những cuộc đời bị đánh cắp.

Khi cái giá nạn mua bán người là cướp bóc, tai nạn và cả tính mạng

Những ngày này, cả nước đang tập trung cao độ vào công tác chống dịch COVID-19, thế nhưng chúng ta không quên rằng, bên cạnh dịch bệnh vẫn còn những vấn đề nóng bỏng đang diễn biến âm thầm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tình hình hình an ninh trật tự, cần tiếp tục nâng cao cảnh giác để phòng ngừa, trong đó có nạn mua bán người.

Nói về nạn mua bán người, ai đó có thể nghĩ đó là câu chuyện xa xôi ở đâu đó. Nhưng thực tế đã cho thấy, sự việc có thể xảy đến với bất kỳ ai. Bởi vì quá trình điều tra phá án trong 9 năm qua cho thấy, có nhiều trường hợp, đối tượng mua bán người lại chính là người bà con ruột thịt, người yêu, người bạn ngay trong xóm, trong làng mà hàng ngày nạn nhân vẫn tin tưởng, qua lại.

Cuối năm 2014, tin lời người môi giới, sang Angola sẽ làm việc nhẹ, lương cao, vợ chồng bà Ngô Thị Lộc (Xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã vay mượn tiền bạc để sang Angola lao động. Thế nhưng trong suốt 5 năm sinh sống tại đây, cuộc sống không chỉ khổ cực mà ông bà đã nhiều lần bị cướp tấn công, đe dọa tính mạng.

Chống nạn mua bán người: Giành lại những cuộc đời bị đánh cắp - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Lộc kể lại giây phút nguy hiểm khi sang Angola lao động: "Thấy cướp người dân sợ phải bỏ trốn, có hôm tôi đi chợ tôi bị cướp dí súng vào đầu, cướp toàn bộ tiền…."

Phụ nữ chính là đối tượng phải chịu tổn thương, nguy hiểm nếu đi lao động chui. Trong một lần vượt biên sang Australia để tìm kiếm việc làm, chị Hoa ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân đã phải trả giá khi tàu trên đường di chuyển đã xảy ra sự cố và trôi dạt trên biển nhiều ngày.

Sau những vụ tai nạn, cái chết thương tâm, người dân đặc biệt là chị em phụ nữ đã có những thay đổi trong nhận thức về lao động ở nước ngoài.

Chống nạn mua bán người: Giành lại những cuộc đời bị đánh cắp - Ảnh 2.

Đã có những vụ tai nạn, cái chết thương tâm khi đi tàu để lao động chui

Chị Phạm Thị Lý (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) từng đi xuất khẩu lao động hợp pháp tại Đài Loan. Dù mức lương không cao, nhưng nhờ chăm chỉ làm thêm nên mỗi tháng chị Lý tích góp được trên 1.000 USD. Sau 5 năm với số vốn kiếm được, chị quyết định về quê hương đầu tư tổ hợp sản xuất như: chế biến nước mắm, thu gom xử lý rác thải, cơ khí... Hiện mỗi tháng gia đình chị thu nhập từ 80-90 triệu đồng. Từ người làm thuê, giờ chị Lý đã thực sự là người làm chủ.

Theo ngành LĐ TB và XH, lao động hợp pháp thường có thu nhập thấp hơn, tuy nhiên mọi quyền lợi của người lao động đều được bảo hộ. Người lao động hợp pháp sẽ có cơ hội quay trở lại nước ngoài làm việc và sẽ có thu nhập ổn định, bền vững một khi chấp hành các quy định của pháp luật.

Từ tìm việc lương cao thành nạn nhân của mua bán người

Trong 8 năm, từ 2011 đến 2020, Việt Nam khởi tố 1461 vụ án về mua bán người với trên 2500 bị cáo. Chỉ có 2 bị cáo bị tuyên chung thân và tử hình. Đa số bị phạt tù từ 3 đến 7 năm.

Tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Trọng điểm là tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Campuchia.

Năm 2011, Việt Nam cũng đã có Luật phòng chống mua bán người. Kể từ năm 20216, Thủ tướng Chính phủ kí quyết định chọn ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng chống mua bán người.

Tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, có khả năng xảy ra trên tất cả các địa bàn, khu vực khác nhau trên cả nước. Tuy nhiên theo thống kê, tội phạm mua bán người thường xảy ra tập trung nhiều ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Chống nạn mua bán người: Giành lại những cuộc đời bị đánh cắp - Ảnh 3.

Tội phạm mua bán người thường xảy ra tập trung nhiều ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Nếu phân theo các vùng thì tội phạm mua bán người xảy ra chủ yếu ở các vùng Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, và Bắc Trung Bộ. Chẳng hạn trong vòng 9 năm qua, khu vực Tây Bắc Bộ xảy ra hơn 500 vụ mua bán người, chiếm trên 35% số vụ án được khởi tố trên toàn quốc. Khu vực Đông Bắc Bộ chiếm gần 20% số vụ và khu vực Bắc Trung Bộ chiếm trên 10%.

Đây là các khu vực gồm nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, có chung đường biên giới với các nước, có các điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người hoạt động. Bên cạnh đó, tình trạng mua bán người từ khu vực đồng bằng Sông Cửu Long sang Campuchia và Malaysia cũng đang dần phức tạp.

Nhiều trường hợp di cư bất hợp pháp ra nước ngoài, trong đó có các nước châu Âu nhằm tìm kiếm công việc lương cao thông qua con đường phi chính thức dễ khiến người lao động trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Chống nạn mua bán người: Giành lại những cuộc đời bị đánh cắp - Ảnh 4.

Xe tải chở container chứa 39 thi thể người Việt được phát hiện tại hạt Essex, Anh hôm 23/10/2019. (Ảnh: AP)

Thống kê cũng cho thấy, đối tượng phạm tội chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp có tiền án, tiền sự về tội mua bán người, chiếm khoảng 22%.

Đối tượng thứ hai là người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, câu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Đối tượng tiếp theo, chính là những người tự bán mình hoặc từng là nạn nhân, hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa đảo phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình. Hoặc lợi dụng việc buôn bán làm ăn qua lại biên giới hay là kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội. Nhiều vụ án, đối tượng có quan hệ với nhau hoặc giữa đối tượng và nạn nhân có mối quan hệ nhất định - thậm chí là họ hàng, người thân trong gia đình.

Báo động tình trạng buôn người trên thế giới

Chống nạn mua bán người: Giành lại những cuộc đời bị đánh cắp - Ảnh 5.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Như vậy có khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày.

Song số vụ việc được đưa ra "ánh sáng" vẫn ở mức thấp so với thực tế và những đối tượng này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Cơ quan Cảnh sát châu Âu ước tính rằng hơn 90% người di cư, trên hành trình đi tìm "miền đất hứa", đã ít nhất một lần sử dụng "dịch vụ" của những kẻ buôn người.

Còn theo báo cáo được Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm thực hiện dựa trên những số liệu thu thập trong khoảng thời gian 2016-2020.

Tổng số nạn nhân trong các vụ buôn người năm 2018 là gần 49 nghìn người, tăng gần gấp đôi so với năm 2016, phần lớn là tăng ở các nước khu vực châu Mỹ và châu Á.

Báo cáo cũng cho thấy buôn người để lạm dụng tình dục là phổ biến nhất, chiếm quá nửa trong tổng số vụ buôn người bị phát hiện.

Lao động cưỡng bức cũng là mục đích mà những kẻ buôn người hướng tới, với số nạn nhân chiếm tới 30%, chủ yếu tại khu vực châu Phi hạ Sahara và Trung Đông. Tại các nước Đông Nam Á, tình trạng hôn nhân ép buộc đã khiến nhiều nạn nhân trở thành "con mồi" của bọn buôn người.

Trong khoảng thời gian từ năm 2016-2020, khoảng 100 vụ buôn người để bán nội tạng đã bị phát hiện, chủ yếu tại Trung Đông và Bắc Phi, trong khi các nước châu Âu, Trung và Nam Mỹ cũng ghi nhận các vụ tương tự. Đã có bằng chứng cho thấy sự cấu kết giữa những kẻ buôn người với các bác sĩ để thực hiện hành vi phạm tội. Các trại tị nạn là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tội phạm này.

Việc đấu tranh chống lại tội phạm mua bán người không chỉ là cuộc đấu tranh với cái xấu, cái ác mà còn là cuộc đấu tranh để bảo vệ tương lai và ngăn chặn, giành lại những cuộc đời bị đánh cắp của các nạn nhân bất hạnh. Họ lẽ ra phải được ở bên gia đình, được đi học, được hạnh phúc nếu không bị bắt cóc, lừa đảo, dụ dỗ đẩy vào hố đen của sự tuyệt vọng. Chính vì vậy, trong cuộc chiến này, luật pháp cần nghiêm minh, cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt và sát sao hơn nữa. Đồng thời, người dân, đặc biệt là những người dân ở các vùng biên mậu, cần nâng cao cảnh giác, không cả tin nghe theo những lời dụ dỗ, hứa hẹn đường mật.

Cùng trao đổi về chủ đề "Những cuộc đời bị đánh cắp" trong chương trình Sự kiện & Bình luận ngày 24/7 là các khách mời:

Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thượng tá Đinh Văn Trình -Phó trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.

Ông Jesús Lavina - Phó ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Tinh vi thủ đoạn mua bán người Tinh vi thủ đoạn mua bán người

VTV.vn - Thống kê trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, cả nước có gần 100 nạn nhân bị lừa bán, phần lớn là bán sang Trung Quốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước