Một đối tượng 27 tuổi trú ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã lập ra một tài khoản facebook có tên "Hoa tươi Đà Lạt".
Đối tượng rao bán giống hoa. Những người cần gấp giống hoa, một khi cả tin thì dễ chuyển tiền đặt cọc cho đối tượng. Tiền vừa chuyển xong thì ngay lập tức đối tượng chặn liên lạc.
Với thủ đoạn này, từ cuối năm 2022 đến nay, đối tượng đã lừa gần 100 bị hại ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, chiếm đoạt số tiền khoảng nửa tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ việc lừa đảo trong mua bán trực tuyến sản phẩm hoa Đà Lạt.
Là vùng chuyên canh hoa đứng đầu cả nước, hoa Đà Lạt được khẳng định thương hiệu và có sức hút mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. Nhiều người sẵn sàng chọn mua hoa Đà Lạt và một khi ưng ý sản phẩm hoa nào đó thì dễ dàng mạnh tay chi tiền. Chính tâm lý này khiến các đối tượng lợi dụng thương hiệu hoa Đà Lạt để thực hiện hành vi lừa đảo.
Tìm kiếm trên facebook, chỉ cần gõ dòng chữ "hoa tươi Đà Lạt", ngay lập tức hiện ra hàng chục tài khoản facebook có cùng một tên Hoa tươi Đà Lạt, chỉ khác hình đại diện. Nhưng, các hình đại diện thường là hình các loài hoa ở Đà Lạt nên không dễ phân biệt.
Các trang bán hàng trực tuyến về hoa Đà Lạt, hình ảnh đăng tải bắt mắt, thông tin khá thuyết phục.
Để xác định và loại bỏ những trang bán hàng lừa đảo thực sự là không dễ đối với người tiêu dùng.
Lĩnh vực mua sắm trực tuyến nhiều tiện ích nhưng cũng không ít rủi ro đối với người tiêu dùng. Thận trọng trước những bẫy lừa đảo khi mua sắm, giao dịch trực tuyến - cảnh báo này có nhắc đi nhắc lại cũng không phải là thừa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!