Từ tháng 5/2021 đến tháng 7/2022, theo số liệu ghi nhận của lực lượng Công an, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 157 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng. Ngày càng có nhiều hình thức lừa đảo, thủ đoạn tinh vi, nhưng, chủ yếu là lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, chiếm tỷ lệ gần 80% (124/157 vụ), gây thiệt hại 26 tỷ đồng.
Lừa chốt hàng online
1 điều tra viên công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: khoảng 02 ngày, đơn vị anh lại tiếp nhận 1 đơn tố giác lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với số tiền chiếm đoạt từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, cá biệt có vụ lên đến vài tỉ đồng.
Trước đây, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng chủ yếu là thông báo trúng thưởng; thông báo nhận quà, tiền từ nước ngoài gửi về, yêu cầu bị hại chuyển tiền gọi là "phí thực hiện thủ tục nhận quà"; giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đe dọa nạn nhân có liên quan đến 1 vụ án lớn nào đó, yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra, hứa hẹn sẽ trả lại đầy đủ sau khi kiểm tra. Nạn nhân tin lời, chuyển tiền và bị chiếm đoạt. Thời gian gần đây, xuất hiện thêm thủ đoạn mới là: cho vay tiền qua mạng. Khi người vay có nhu cầu, đối tượng yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài khoản để chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt tiền có trong tài khoản của nạn nhân. Một thủ đoạn khác là gọi "đầu tư" sinh lời trên mạng. Ban đầu, nạn nhân bị dẫn dụ đầu tư số tiền nhỏ và có lợi nhuận. Những lần sau, số tiền "kêu gọi đầu tư" sẽ lớn dần lên. Đến lúc thấy nạn nhân đã "mắc bẫy", đối tượng không cho rút tiền, đánh sập máy chủ, chiếm đoạt tiền của "người đầu tư". Một thủ đoạn nhắm vào giới trẻ là tuyển dụng nhân viên chốt đơn hàng online.
Một phụ nữ sinh sống trên địa bàn thành phố Mỹ Tho từng bị lừa tuyển nhân viên bán hàng online cho biết: cuối năm 2021, chị thấy thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội Facebook nên đã nhắn tin và được một người tự xưng là quản lý nhân sự của một Công ty cổ phần quảng cáo, địa chỉ tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn chốt đơn mua hàng online để nhận tiền hoàn đơn cùng với hoa hồng. Tin lời, chỉ trong vòng 4 ngày, theo yêu cầu của các đối tượng, chị đã lần lượt chuyển vào 02 tài khoản ngân hàng mà chúng cung cấp với số tiền gần 2,5 tỉ đồng. Sau khi không nhận lại được tiền vốn cùng với hoa hồng, không liên lạc được với các đối tượng, chị mới biết mình bị lừa và làm đơn tố giác gửi cơ quan Công an.
Một trường hợp khác, một sinh viên sinh sống trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã mất 250 triệu đồng vì chuyển tiền chốt đơn hàng để hưởng hoa hồng. Khi trình báo với cơ quan Công an, em cho biết: giữa tháng 6 em tham gia 1 trang mua, bán hàng của 1 Công ty và được chiêu dụ "đầu tư". Chỉ trong 3 ngày, chuyển "đầu tư" 3 lần với tổng số tiền gần 10 triệu đồng, em đã được trả hoa hồng 1,5 triệu đồng. Thấy thu lợi nhuận khá dễ dàng, từ ngày 15/6 đến ngày 24/6, em đã vay tiền của bạn bè và người thân để tiếp tục chuyển "đầu tư" gần 250 triệu đồng. Khi em yêu cầu rút tiền ra thì Công ty cắt liên lạc.
Lừa đảo nhắm vào những tấm lòng nhân ái
Hiện nay, mạng xã hội đã tạo hiệu ứng rất tốt khi lan tỏa nghĩa cử đẹp, kêu gọi những tấm lòng nhân ái, chia sẻ cùng hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh… Tuy nhiên, cũng có nhiều đối tượng xấu, lợi dụng việc kêu gọi giúp đỡ người khác để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Giữa tháng 5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiến hành khởi tố và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Hữu Hiền, sinh năm 1993, cư trú ấp An Viễng, xã Bình An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào tháng 04/2021, Nguyễn Hữu Hiền lên mạng, xem 1 kênh Youtube nổi tiếng quay lại những hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi từ thiện. Kênh Youtube này có rất nhiều người theo dõi, giúp đỡ. Hiền lấy thông tin, hình ảnh của kênh Youtube này, tạo một trang facebook giả mạo của riêng của Hiền để lừa đảo tiền từ thiện. Sau đó, Hiền kết bạn và liên lạc được với 1 người phụ nữ hay tham gia các hoạt động từ thiện, cư trú trên địa bàn huyện Chợ Gạo. Chị đã từng xem video clip về những hoàn cảnh khó khăn của kênh chính thống và có ý định quyên góp, giúp đỡ. Qua tài khoản giả mạo, Hiền gửi cho chị những video clip về các hoàn cảnh khó khăn được lấy từ kênh Youtube thật. Từ đó, chị tin tưởng chuyển tiền giúp đỡ. Hiền đã gửi hai số tài khoản để chị chuyển hơn 1 tỷ đồng. Sau khi nhận được tiền, Hiền rút ra tiêu xài và chuyển tiền chơi game trên mạng.
Nguyên nhân "sụp bẫy"
Trung tá Lê Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: tình trạng lừa đảo qua mạng hiện nay rất phức tạp, phương thức thủ đoạn thường xuyên thay đổi, đối tượng thực hiện hành vi thường ở nước ngoài, sử dụng các tài khoản ngân hàng không chính chủ (tài khoản mua bán trên mạng); người thực hiện hành vi lừa đảo và bị hại không biết mặt nhau…
Mặt khác, kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế; kỹ năng, kiến thức về giao dịch ngân hàng qua mạng (Internet Banking) chưa đầy đủ. Với sự bùng nổ công nghệ, người dân dễ dàng sở hữu thiết bị công nghệ (Smart phone, laptop, Ipad…) nhưng chưa am hiểu nhiều về kiến thức công nghệ nên dễ bị đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài những chiêu lừa thiện nguyện, đe dọa liên quan đến pháp luật; những trường hợp khác, hầu hết nạn nhân đều bị "hấp dẫn" bởi "lợi nhuận" mà đối tượng đưa ra để chiêu dụ.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các cơ quan báo chí; cảnh báo trực tiếp đến người dân, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người bị mắc lừa.
Cảnh báo:
Để chủ động phòng tránh tội phạm lừa đảo qua không gian mạng, người dân khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác và lưu ý 1 số điểm sau:
Không nên kết bạn với người không quen biết, không nghe điện thoại khi thấy số điện thoại có đầu số lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài 0099…, 0055..., 0088..., 001...nếu nghe điện thoại của người lạ thì không được làm theo hướng dẫn.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như: số chứng minh Nhân dân, Căn cước công dân, số tài khoản Ngân hàng,… cho bất kỳ ai, khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Không chuyển tiền, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản Ngân hàng của cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.
Không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, viber...kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản.
Không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn do đối tượng gửi đến qua tin nhắn.
Hết sức cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình và góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn dân cư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!