Theo quy định, găng tay y tế, khẩu trang là dụng cụ dùng 1 lần và bắt buộc phải tiêu hủy sau khi sử dụng. Thế nhưng có đến 4 cơ sở thu gom, sản xuất, tái chế găng tay y tế cũ với số lượng lên đến hàng chục tấn bị cơ quan chức năng đồng loạt kiểm tra thu giữ.
Nằm sâu trong khu đô thi Đặng Xá - huyện Gia Lâm, Hà Nội, hầu như chẳng có ai biết rằng trong căn nhà này có chứa tới hơn 15 tấn găng tay cao su. Tất cả đều đã qua sử dụng, được thu gom về đây chất thành từng đống lớn. Theo lời khai của chủ cơ sở này, găng tay cao su cũ được thu mua trôi nổi trên thị trường với giá 5 triệu đồng 1 tấn, đem về đây sàng lọc, tái chế, bất chấp nguy cơ dịch bệnh.
Bên trong xưởng tái chế cả tấn găng tay y tế.
"Dịch đã hết từ lâu rồi, bây giờ mọi người không phải chống dịch nữa, cái này chị mua cách đây cũng hàng tháng rồi" - chủ cơ sở cho hay.
Địa điểm kho chứa hàng này cũng chính là trụ sở trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM. Đơn vị bị phát hiện phù phép găng tay cao su cũ thành găng tay mới tại khu công nghiệp Lương Sơn, Hòa Bình. Thế nhưng đáng ngạc nhiên là chủ cơ sở này lại phủ nhận, hoàn toàn không liên quan gì đến Công ty BM. Chính nhân viên của Công ty BM lại khẳng định, hàng hóa xuất nhập, tính toán doanh thu đều được chuyển về địa chỉ 43 - Lâm Viên 2, trong khu đô thị Đặng Xá.
Vòng vo, gian dối, né tránh khi bị cơ quan chức năng bắt quả tang là đặc điểm chung của tất cả các đối tượng ở cả 4 địa điểm bị cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất. Đường dây tái chế găng tay bẩn được cục nghiệp vụ quản lý thị trường xác định là rất lớn, vươn ra nhiều địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Kạn.
Cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp thuê nhà xưởng, tái chế hàng chục tấn găng tay y tế.
Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường: "Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh để thẩm tra xác minh làm rõ đường đi của các gang tay tái chế này như thế nào, lợi nhuận ra sao, để có căn cứ xử lý nghiêm các đội tượng".
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 25 tấn găng tay đã qua sử dụng cùng rất nhiều găng tay thành phẩm đã được tái chế bị cơ quan chức năng thu giữ. Với giá mua vào khoản 5 triệu đồng 1 tấn găng tay cũ, sau quá trình phù phép thành găng tay mới các đối tượng gian thương có thể bán với giá hàng trăm triệu đồng. Lợi nhuận khổng lồ nên những thủ đoạn này ngày càng phổ biến, bất chấp nguy cơ dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!