* Antwerp 1920: Chuyện những chiếc giường xếp
Thành phố của Bỉ đã giành quyền đăng cai Olympic 1920 như một cách để vinh danh và đền bù những thiệt hại mà quốc gia này phải gánh chịu trong Chiến tranh Thế giới thứ I. Tuy nhiên, các nhà tổ chức không có đủ thời gian để dọn dẹp tàn tích chiến tranh. Sân vận động (SVĐ) chưa hoàn thành, các VĐV phải ngủ trên những tấm giường xếp trong các căn phòng chật chội. Số người tới xem các trận thi đấu không nhiều bởi giá vé quá cao. Tuy nhiên, bất chấp những trục trặc ban đầu, các cuộc tranh tài vẫn diễn ra theo kế hoạch và lần đầu tiên lá cờ biểu tượng của Olympic tung bay trên bầu trời.
* Mexico 1968: Bóng đen thảm sát
Các phong trào sinh viên bùng lên và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu ngay trước thềm Olympic 1968. Nước chủ nhà Mexico không phải là ngoại lệ.
Ngày 2/10/1968, căng thẳng giữa chính quyền và các sinh viên biểu tình đã lên tới đỉnh điểm. Chính phủ bị cáo buộc đã đàn áp dã man phe đối lập trước thềm Olympic, sát hại hàng trăm người tham gia tuần hành tại khu Tlatelolco, gần thành phố Mexico. Khi đó, chỉ còn chưa đầy 2 tuần là tới lễ khai mạc Olympic 1968.
Trong suốt thời gian diễn ra Olympic 1968 cũng đã xảy ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về an ninh. Tuy nhiên, dư luận quốc tế lại tập trung chú ý tới một hình ảnh đặc biệt. Buổi sáng lịch sử ngày 16/10/1968, sau đường chạy dài 200m, hai VĐV da màu người Mỹ đã bước lên bục vinh quang - Tommie Smith đoạt Huy chương Vàng với kỷ lục thế giới 19,83 giây và John Carlos đoạt Huy chương Đồng với thành tích 20,1 giây. Khi quốc ca Mỹ vang lên, cả hai VĐV này cùng quay mặt về phía lá quốc kỳ, đồng thời giơ lên trời nắm tay đeo găng đen để ủng hộ phong trào nhân quyền cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Hành động này đã đi vào lịch sử với cái tên “1968 Olympics Black Power Salute” (tạm dịch: “Lời chào Sức mạnh người da màu tại Olympic 1968”).
* Munich 1972: Khủng hoảng bắt cóc con tin
Đã từng có rất nhiều lo ngại về nguy cơ chính trị chi phối hoặc cản trở Olympic 1972. Trước thềm sự kiện thể thao này, một nhóm các quốc gia châu Phi đã đe dọa tẩy chay cho tới khi giới chức bỏ phiếu cấm Rhodes tham dự cuộc thi. Căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh đã khiến kỳ Olympic năm đó diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng khi Tây Đức chuẩn bị xuất hiện trước cộng đồng quốc tế với một bộ mặt dân chủ mới.
Để thể hiện rằng tình trạng quân sự hóa tại nước Đức đã chấm dứt, ban tổ chức quyết định nới lỏng công tác an ninh tại Làng Olympic. Tuy nhiên, ngày 4/9/1972, các phần tử khủng bố Palestine đã trèo qua bức tường bao quanh khu vực này, sát hại 2 VĐV Israel và bắt 9 người làm con tin. Những kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt sau một chiến dịch giải cứu bị cho là khá lúng túng. Sau vụ việc này, Olympic 1972 vẫn tiếp tục và các cuộc thi đấu đã được nối lại sau 34 giờ tạm hoãn.
* Montreal 1976: Con nợ lớn
SVĐ được xây phục vụ Olympic Montreal 1976 có tên "The Big O", song sau đó đã bị người ta gọi trại đi thành “The Big Owe” (Con nợ lớn). Mái che của SVĐ được quảng cáo là có thể mở ra đóng vào đã không hề hoạt động trong suốt giải đấu. Thậm chí, tòa tháp biểu tượng của kỳ Olympic được hoàn thành sau đó tới hơn 10 năm. Tổng chi phí xây dựng công trình này đã đội lên 12 lần so với dự tính và Canada phải mất tới hơn 30 năm để trả hết khoản nợ.
SVĐ này sau đó trở thành sân nhà của đội tuyển bóng chày Montreal Expos, hiện đã đổi tên thành Washington Nationals, trong nhiều năm. Cơ sở hạ tầng tại đây hiện xuống cấp nghiêm trọng.
* Atlanta 1996: Lo ngại về an toàn
Atlanta cũng phải đối mặt với không ít lo ngại về cơ sở hạ tầng trước khi đăng cai Olympic 1996. Trong khi các công nhân đang hoàn tất SVĐ mới để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, một cột thu lôi bằng thép đột ngột rơi xuống từ khán đài, khiến 1 người thiệt mạng
Tuy nguy cơ khủng bố cũng là một trong những lo ngại lớn trước thềm Olympic 1996, song giới chức khẳng định lễ kỷ niệm 100 năm giải đấu sẽ là sự kiện được đảm bảo an ninh ở mức cao nhất trong lịch sử và sự an toàn của các VĐV cùng cổ động viên sẽ được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vụ nổ diễn ra hơn 1 tuần trước Olympic 1996 đã khiến dư luận không khỏi hoang mang. Công viên Olympic Thế kỷ đã bị đánh bom, khiến 2 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, song các cuộc tranh tài vẫn diễn ra như đã định.
Chính quyền phải mất tới hơn 7 năm để bắt giữ kẻ đánh bom Eric Rudolph. Tên này sau đó khai rằng hắn đã có ý định cắt điện toàn thành phố và khiến Olympic 1996 phải hoãn lại, nhằm làm bẽ mặt Mỹ sau khi Quốc hội nước này thông qua luật cho phép nạo phá thai.
* Athens 2004: Chạy đua với thời gian
Báo giới đưa tin về công tác chuẩn bị cho Olympic 2004 tại Athens đều cho rằng thành phố này phải chạy đua với thời gian. Hàng loạt vụ đánh bom ở Athens trong vài tháng trước sự kiện đã làm dấy lên không ít quan ngại. Lần đầu tiên, Ủy ban Olympic Quốc tế đã phải đề ra một chính sách khẩn cấp đề phòng trường hợp các cuộc tranh tài bị hủy bỏ.
Sau khi Olympic khai màn, các nhà tổ chức lại đối mặt với một rào cản khác: thuyết phục cổ động viên mua vé. CNN khi đó đưa tin rằng: “Tại sân thi đấu tennis Olympic, tiếng thét của Venus Williams làm rung chuyển vài nghìn ghế trống trên khán đài. Có quá ít người hâm mộ tới xem vòng loại các trận thi đấu tới mức nơi đây trông giống một cuộc họp lớp trung học”.
Giờ đây, sau hơn 10 năm những chậm trễ trong việc thi công cơ sở hạ tầng làm dấy lên không ít lo ngại về công tác chuẩn bị cho Olympic, một số SVĐ được xây dựng cho các trận thi đấu quốc tế này hiện đang được sử dụng vì một mục đích khác: trở thành nơi trú ẩn cho dòng người tị nạn đang tràn vào Hy Lạp.
* Bắc Kinh 2008: Vấn đề ô nhiễm
Bắc Kinh cũng phải đối mặt với lo ngại về cơ sở hạ tầng khi đăng cai Olympic 2008. Trong một loạt các cuộc truy quét được tiến hành nhiều tháng trước lễ khai mạc, giới chức Trung Quốc cho biết họ đã đập tan một âm mưu đánh bom của những kẻ khủng bố Hồi giáo. Chúng dự định tấn công nhiều khách sạn, tòa nhà chính phủ và các căn cứ quân sự trong thời gian diễn ra Olympic.
Tuy nhiên, điều khiến các VĐV phàn nàn nhiều nhất lại là vấn đề ô nhiễm. Một VĐV marathon đã phải từ bỏ cuộc đua vì vấn đề sức khỏe. Trong khi một VĐV 3 môn phối hợp của Mỹ cho biết anh đã phải đeo mặt nạ trong lúc tập luyện. Một tuần trước khi Olympic 2008 khai mạc, Trung Quốc đã ban bố kế hoạch khẩn cấp nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm. Nhiều nhà máy cùng công trường trong thành phố đã phải ngừng hoạt động để giảm thiểu khói bụi.
Hầu hết mọi người đều cho rằng Olympic 2008 là một thành công lớn và Trung Quốc cũng không phải chờ lâu để tiếp tục gây ấn tượng với thế giới, thành phố này sẽ tiếp tục đăng cai Olympic 2022.
* Vancouver 2010: Đau đầu vì tuyết
Olympic 2010 bắt đầu với tin tức vô cùng buồn thảm: VĐV trượt tuyết người Gruzia Nodar Kumaritashvili thiệt mạng trong lúc tập luyện. Tai nạn này đã làm dấy lên những câu hỏi về sự an toàn của đường trượt trên núi.
Nhiều người ca thán về thời tiết quá ấm và mưa nhiều trong suốt quá trình diễn ra Olympic 2010. Giới chức nhanh chóng nhận thức được rằng họ đã đánh giá thấp một yếu tố quan trọng – đó là tuyết. Tờ “The Guardian” khi đó đưa tin các nhà tổ chức đã phải rất nỗ lực để tập hợp đủ số tuyết phục vụ cho Olympic. Các máy bay trực thăng, xe tải… đều được huy động để chở tuyết. Người ta thậm chí còn dùng máy bắn tuyết lên các sườn núi để tạo độ dày nhất định. Cuối cùng, Olympic 2010 cũng có đủ tuyết để “xứng đáng” là một Thế vận hội mùa Đông và Canada năm đó đã đạt số Huy chương Vàng kỷ lục.
* Sochi 2014: Lo ngại về an ninh và … “chó lạc”
Các trang mạng xã hội tràn ngập hashtag #SochiProblems ngay sau khi Olympic 2014 khai mạc. Có rất nhiều chó hoang đi lung tung trong thành phố và Chính quyền Nga đã phải rất vất vả để đi thu gom những con vật này.
Không chỉ vậy, dư luận tại đây còn xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều khi Nga thông qua một điều luật gây tranh cãi là cấm các công dân có những hành vi cổ súy hoặc thể hiện xu hướng hay các mối quan hệ đồng tính nam tại các khu vực có trẻ em. Ngoài ra, còn có rất nhiều lo ngại về tình trạng an ninh khi gần 6 tuần trước lễ khai mạc Olympic, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại nhà ga thành phố Volgograd, khiến 16 người thiệt mạng.
Trong lễ khai mạc Olympic 2014, một bông hoa tuyết không hóa thành vòng tròn như kế hoạch, gây bối rối cho các nhà tổ chức. Năm bông hoa tuyết khổng lồ theo kịch bản sẽ hóa thành năm vòng tròn biểu tượng của Olympic, tuy nhiên, bông hoa phía trên bên phải đã “nhất quyết” không biến hình và khiến màn trình diễn thất bại.
Tuy nhiên, một vòng tròn khác - “vòng tròn thép” - đã được triển khai xung quanh thành phố và được dư luận hết sức hoan nghênh vì đã giúp đảm bảo an toàn cho khu vực trong suốt Olympic 2014.