Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên của Đài THVN, phóng viên VTV News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chung – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình để giúp độc giả hiểu rõ hơn về Trung tâm KTSXCT cũng như những đóng góp của đơn vị với sự phát triển chung của VTV, rõ nét nhất là sự chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ từ analog sang HD và sắp tới sẽ là 4K.
Nhắc tới VTV, khán giả xem truyền hình thường chỉ quen mặt với các MC, biên tập viên mà không nhiều người biết tới các kĩ thuật viên, trong đó có Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình. Vậy ông có thể cho biết vài nét khái quát về Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Trung tâm KTSXCT: Đúng như tên gọi, Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật sản xuất chương trình. Đây cũng là trung tâm quản lý từ khâu tiền kỳ đến khâu hậu kỳ và khâu phát sóng, thuật ngữ gọi là play-out.
- Tiền kì: Xe truyền hình lưu động, trường quay, một phần các máy quay lẻ ở các Ban (Ban SXCCT Thể Thao, Ban Thanh thiếu niên).
- Hậu kì: Dựng hình phục vụ cho hầu hết các Ban thuộc Đài THVN.
- Play-out: Chịu trách nhiệm phần play-out các kênh quảng bá VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV6 và cung cấp tín hiệu tới Trung tâm Truyền dẫn phát sóng cũng như VTVcab, SCTV và một số đơn vị khác.
Theo đó, Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình sẽ có nhiệm vụ phối hợp với hầu hết các đơn vị sản xuất chương trình của Đài THVN, ngoại trừ Ban Biên tập truyền hình cáp, như: Ban Thời sự, Ban Khoa giáo, Ban Thanh Thiếu niên, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí, Ban Sản xuất các chương trình Thể thao… để sản xuất các chương trình truyền hình gửi tới khán giả cả nước.
Ông Nguyễn Văn Chung – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình, Đài THVN
Trong vài năm qua, theo tôi được biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, lãnh đạo Đài THVN đã đầu tư lớn để cải tiến công nghệ sản xuất. Và Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình là một trong số những đơn vị được đầu tư nhiều nhất về mặt công nghệ để chuyển sang HD. Vậy cụ thể, Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình đã có những thay đổi gì tính đến thời điểm hiện tại?
Ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Trung tâm KTSXCT: Trong 10 năm vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình đã được lãnh đạo Đài THVN đầu tư tương đối nhiều vào thiết bị sản xuất chương trình. Trước năm 2010, chúng tôi sản xuất trên công nghệ tương tự, còn gọi là Tape-based, sản xuất trên nền tảng băng BetaCam SP.
Phòng Tổng khống chế, Trung tâm KTSXCT, Đài THVN
Sau năm 2010, lãnh đạo Đài THVN đã có chủ trương chuyển đổi sang công nghệ số tiến thẳng lên HD. Hiện tại, chỉ sau vài năm chuyển đổi, từ chỗ phát sóng kênh SD đã chuyển toàn bộ phát sóng HD trên các kênh quảng bá VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV6, có những mảng đã cơ bản hoàn thành như hệ thống kỹ thuật cho Ban Thời sự, Ban Thư kí biên tập.
Việc chuyển sang về kĩ thuật, từ băng từ sang kĩ thuật số và hiện tại là sang HD khiến cho việc công việc của Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình có thay đổi đáng kể nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Trung tâm KTSXCT: Sự chuyển đổi này mang lại sự thay đổi toàn diện về công nghệ lẫn chuyên môn của nhân sự. Toàn bộ công đoạn sản xuất đã phải thay đổi, từ máy quay tiền kì, xe truyền hình lưu động, trường quay đến hệ thống dựng, hệ thống play-out.
Cụ thể, xe truyền hình lưu động SD phải chuyển đổi sang xe truyền hình lưu động HD. Nền tảng công nghệ sản xuất HD cũng khác hẳn so với truyền hình tương tự cũng như sản xuất SD trước đây.
Dàn xe màu HD của VTV do Trung tâm KTSXCT điều động.
Ngoài ra, sự chuyển đổi này mang lại sự hội nhập giữa công nghệ thông tin và công nghệ truyền hình. Như thế, kỹ thuật viên không chỉ am hiểu về công nghệ điện từ đơn thuần như trước đây mà buộc phải nắm vững thêm kiến thức về công nghệ thông tin.
Chỉ sau thời gian ngắn, ngoài việc thay mới toàn bộ công nghệ, việc đạo tào kĩ thuật viên được tiến hành song song. Đến nay, đội ngũ kỹ thuật đã đáp ứng tốt được yêu cầu công việc.
Như vậy, sau khi chuyển đổi các kênh quảng bá sang HD, Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình đặt ra mục tiêu gì tiếp theo, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Trung tâm KTSXCT: Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đài THVN, với quyết tâm nâng cao chất lượng kĩ thuật chương trình, Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng hình ảnh và âm thanh.
Mặc dù đã VTV đã phát sóng HD nhưng nền tảng này vẫn có thể tiếp tục nâng cao kỹ thuật hơn nữa, đặc biệt là về mặt âm thanh. Hiện một số chương trình chưa sản xuất được âm thanh stereo, cao hơn nữa là sản xuất chương trình âm thanh lập thể.
Với công nghệ truyền hình ngày càng phát triển, VTV không dừng lại ở việc phát sóng HD. Mục tiêu của lãnh đạo Đài THVN có kế hoạch, tới năm 2017, VTV sẽ phát sóng thử nghiệm kênh truyền hình 4K.
Phát sóng kênh truyền hình 4K có những ưu việt gì so với HD hiện tại, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Trung tâm KTSXCT: Kênh truyền hình 4K có chất lượng hình ảnh tốt hơn gấp 4 lần so với HD, dĩ nhiên, còn phụ thuộc vào chất lượng đầu thu của khán giả, nhưng hình dung đơn giản là như vậy.
Hiện Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho việc phát sóng kênh truyền hình 4K, có thể sẽ thử nghiệm với các chương trình thể thao, giải trí.
Việc phát sóng HD như hiện tại đã là nỗ lực lớn của VTV nói chung và Trung tâm Kỹ thuật sản xuất chương trình nói riêng. Theo ông nhận định, hệ thống công nghệ, kĩ thuật của VTV đang ở vị trí nào so với khu vực và châu lục?
Ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Trung tâm KTSXCT: Giai đoạn chuyển đổi từ phát sóng truyền hình tương tự, sang kỹ thuật số và HD, nhiều Đài khu vực đã mất khá nhiều thời gian, có thể là 8-10 năm. Trong khi đó, VTV hoàn thành chỉ trong khoảng 3 năm, từ năm 2012 đến nay. Theo tôi được biết, nhiều đài truyền hình ở khu vực Đông Nam Á thậm chí còn chưa phát sóng HD.
Trường quay hiện đại thực hiện các chương trình phát sóng HD. Ảnh: TT Tư liệu, VTV
Hiện lãnh đạo Đài THVN đã có chủ trương sản xuất và phát sóng kênh truyền hình 4K tức là đã bắt kịp với xu hướng công nghệ truyền hình châu lục. Tôi có điều kiện tham quan một số đài truyền hình lớn ở châu Á như Hàn Quốc, Đài Bắc, Singapore… Qua đó, tôi có thể nhận định, hệ thống trang thiết bị, công nghệ của VTV trong một chừng mực nào đó, không thua kém các đài truyền hình khu vực và châu lục.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!