Kể lại quá trình rời Nga sang Ukraine tác nghiệp trong sự kiện này, PV Nhật Linh và quay phim Vân Thái cho biết: “5 ngày sau khi xảy ra thảm kịch, nhóm phóng viên chúng tôi có mặt ở thành phố Kharkov, cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 250km. Thực tế là trước đó và trong cả thời gian này, việc tiếp cận hiện trường, nơi xảy ra vụ rơi máy bay MH17 ở làng Torez thuộc tỉnh Donetsk là điều không thể thực hiện được, ngay cả đối với các đoàn chuyên gia quốc tế.
Chính quyền Kiev tuyên bố họ không thể đảm bảo an ninh cho bất kỳ ai vì đây là khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng chống đối ở miền Đông nên việc di chuyển vào khu vực đó được cho là rất nguy hiểm khi các cuộc bắn phá giữa quân đội hai bên vẫn diễn ra.
Ngay khi quyết định tới Kharkov, chúng tôi chỉ có thể xác định là đi tới nơi đặt “Trung tâm điều phối hoạt động khắc phục hậu quả thảm kịch MH17” và chỉ ở đó chúng tôi mới có được các thông tin mới, chính xác nhất”.
‘ Quay phim Vân Thái và PV Nhật Linh tác nghiệp tại TP Kharkov
Trước đây, khi nhóm của anh chị thực hiện các phóng sự tại vùng chiến sự Kiev đã từng gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển các thiết bị để làm streambox. Không biết, trong lần di chuyển sang lãnh thổ Ukraine lần này, anh chị có gặp phải khó khăn nào không?
- Từ khi chúng tôi nhận được lệnh đi công tác đến lúc lên đường chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ. Tất cả các chuyến bay từ Nga sang Ukraine, đặc biệt là đến các thành phố miền Đông đã bị huỷ ngay sau vụ rơi máy bay MH17 làm 298 hành khách thiệt mạng vào ngày 17/7 tại Donetsk. Phương án duy nhất lúc đó là đi tàu, dù phải mất hơn 12 tiếng đồng hồ, vượt gần 800km từ Moscow đến Kharkov.
Tuy nhiên, so với chuyến công tác của nhóm phóng viên VTV thường trú tại Nga đến các “điểm nóng” Kiev hay Donetsk thì chuyến đi này không nguy hiểm như hình dung của nhiều người. Thành phố Kharkov, dù nằm không xa vùng chiến sự Donetsk, nhưng lại là khu vực tương đối bình yên.
Tất nhiên là sau những xung đột ở khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine, việc di chuyển cũng có nhiều khó khăn. Đôi khi các phóng viên báo chí lại phải trả lời nhiều câu hỏi của Hải quan và Biên phòng của hai nước nhiều hơn là người bình thường.
Là những phóng viên có mặt tại thành phố Kharkov – nơi đặt trung tâm điều phối hoạt động khắc phục hậu quả tai nạn sau thảm kịch MH17, anh chị có thể cho biết cụ thể tiến trình công việc của cơ quan chức năng những ngày này và quá trình thực hiện các phóng sự tại đây?
- Có thể nói, một điều vô cùng may mắn với chúng tôi là đã có được sự hỗ trợ tối đa của các anh chị trong Hội người Việt Nam ở Kharkov. Không chỉ là sự hỗ trợ về ăn, ở, đi lại mà còn là sự hỗ trợ kịp thời về thông tin xung quanh vụ rơi máy bay MH17. Họ đã giúp chúng tôi kết nối rất kịp thời với bộ phận phụ trách báo chí của tỉnh và thành phố để có được thông tin chính xác trong sự kiện MH17. Điều này thực sự rất quan trọng!
Bốn tiếng sau khi có mặt tại Kharkov, chúng tôi nhận được thông tin 4 toa tàu đông lạnh chở thi thể nạn nhân MH17 từ Donetsk vừa được đưa về Nhà máy sản xuất xe tăng Kharkov để các chuyên gia pháp y có điều kiện khám nghiệm tổng thể trước khi đưa về Hà Lan giám định và nhận dạng. Khi chúng tôi đến nơi đã thấy rất đông phóng viên quốc tế tập trung ở khu vực này.
Nhưng tất cả chỉ được phép tác nghiệp ở vòng ngoài. Giờ Việt Nam sớm hơn giờ Ukraine 4 tiếng nên lúc này chúng tôi phải gấp rút làm tin cho kịp bản tin Thời sự 19h. Những lúc như vậy, quay phim Vân Thái là người phải bám hiện trường để có hình ảnh về các diễn biến tiếp theo, còn tôi phải xử lý và hoàn thiện những gì đã có để gửi về cho kịp giờ phát sóng bản tin.
‘ Rất đông phóng viên quốc tế có mặt tại TP Kharkov tác nghiệp trong vụ rơi máy bay MH17
Như anh chị vừa đề cập, những ngày này tập trung rất đông các phóng viên quốc tế đưa tin về sự kiện. Vậy, quá trình tác nghiệp của họ đã diễn ra như thế nào?
- Liên tiếp từ ngày 22 – 26/7 là các cuộc họp báo và các chuyến bay quân sự di chuyển thi thể nạn nhân vụ rơi máy bay MH17 từ Ukraine về Hà Lan. Các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế cũng hoạt động rất tích cực, có thể nói đó là một cuộc “chạy đua” thông tin giữa các phóng viên.
Với các hãng lớn như Reuters, CNN, họ có lực lượng đông để “cắm” người ở khắp nơi: tại Trung tâm báo chí, tại khu vực bảo quản các thi thể và cả ngoài sân bay. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có thể chọn có mặt tại một trong các điểm này khi cần thiết.
‘ PV Nhật Linh đưa tin sự kiện từ sân bay Kharkov
Song, có thể thấy một sự không thống nhất giữa các phương tiện truyền thông về con số thi thể được tìm thấy và được chuyển từ Ukraine về Hà Lan trong những ngày này. Nếu có mặt ở hiện trường hay tham gia các cuộc họp báo, thì điều này là không hề khó hiểu.
Dù không được tận mắt chứng kiến nhưng qua câu chuyện của các chuyên gia pháp y, chúng tôi hiểu những ngày vừa qua thực sự là những ngày đau đớn và khó khăn đối với họ. Ngay cả cách tính để công bố số lượng thi thể cũng là rất khó khăn vì thực tế chẳng còn ai và chẳng còn gì nguyên vẹn khi chiếc máy bay MH17 rơi từ độ cao 10.000m như vậy.
Cuối cùng, hầu như các chuyên gia Hà Lan chỉ có thể nói và tính bằng các “mảnh” và các “túi”. Thực sự là cảm giác đó rất đau lòng! Và chỉ khi có mặt tại đây chúng tôi mới cảm nhận được điều ấy!
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh chị!