Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: “Với Du ca Việt, tôi lãi nhất là những chuyến đi”

T.Linh (ảnh: Nhân vật cung cấp)-Thứ bảy, ngày 18/07/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn - Sau hành trình dài với chương trình "Du ca Việt", nhạc sĩ Lê Minh Sơn nghiệm thấy cuộc đời vẫn còn nhiều thứ phải làm và nhiều nơi phải đến.

Ngày 25/7 tới, chương trình Du ca Việt sẽ lên sóng số đầu tiên trên kênh VTV1. Đây là dự án âm nhạc phối hợp giữa thể loại truyền hình thực tế và biểu diễn trực tiếp. Chương trình gồm một ê-kíp với ban nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng… và hành trình du ca trên một chiếc xe tới mọi miền đất nước để khám phá và kết nối những tài năng âm nhạc đặc biệt thông qua những buổi trò chuyện, tập luyện và biểu diễn tại nơi họ sinh sống. Trong đó, nhạc sĩ Lê Minh Sơn là đạo diễn âm nhạc kiêm người dẫn chuyện của chương trình.

Phóng viên VTV News đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Lê Minh Sơn về Du ca Việt cũng như về vai trò mới anh lần đầu đảm nhiệm trong một chương trình truyền hình.

Xin chào nhạc sĩ Lê Minh Sơn! Sau một thời gian dài "biến mất", khán giả sẽ có cơ hội thấy anh trở lại trong dự án âm nhạc mới. Vì sao anh quyết định trở lại trong thời điểm này với Du ca Việt?

- Một chương trình như Du ca Việt đã là mơ ước từ lâu của tôi sau rất nhiều chuyến đi, nhiều công việc phải làm. Trước đây, tôi từng tham gia thực hiện nhiều chương trình lớn và cũng góp mặt trong những chương trình trên truyền hình. Sau đó, tôi nhận thấy, trên truyền hình đã có nhiều gameshow, nhiều chương trình mua bản quyền của nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có chương trình âm nhạc mang bản sắc của Việt Nam, đặc biệt là chương trình về âm nhạc dân gian của các vùng miền, địa phương trong nước.

Từ đó, tôi thấy mình cần phải góp sức để có được một chương trình âm nhạc dành cho cộng đồng. Hơn nữa, tôi là người yêu những nét văn hóa dân gian của Việt Nam. Điều đó đã thúc đẩy tôi tham gia thực hiện chương trình Du ca Việt.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn trực tiếp đệm đàn trong một tiết mục ở Du ca Việt.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn trực tiếp đệm đàn trong một tiết mục ở "Du ca Việt"

Không biết anh mất bao lâu để cùng ê-kíp lên ý tưởng và thực hiện chương trình này?

- Trong vòng 4 năm qua, tôi đã ấp ủ ý tưởng cho một chương trình âm nhạc cộng đồng như Du ca Việt. Còn quá trình trao đổi, lên ý tưởng và chuẩn bị cho chương trình diễn ra từ cách đây 2 năm.

Ngày 25/7 tới, Du ca Việt sẽ lên sóng số đầu tiên, đánh dấu tròn 1 năm tôi và ê-kíp cùng thực hiện chương trình. Bản thân tôi thấy vô cùng hồi hộp, chờ đón số đầu tiên của chương trình lên sóng và được khán giả theo dõi. Đó là niềm vui rất lớn sau những chuyến hành trình tôi đã có cùng chương trình.

Lần đầu đảm đương vai trò đạo diễn âm nhạc ở một chương trình mới, nhất là phải qua nhiều chuyến đi như vậy có khiến anh gặp khó khăn không?

- Tôi đã từng làm tổng đạo diễn của nhiều chương trình, trong đó có các chương trình diễn ra ở địa điểm lớn như sân vận động Lạch Tray (Hải Phòng), sân vận động Quân khu 9 (Cần Thơ)… Ngoài ra, tôi cũng từng tham gia các chương trình âm nhạc cộng đồng ở một số địa phương như Gia Lai, Đăk Lăk… Lượng khán giả ở mỗi điểm đều lên tới hàng chục nghìn người.

Với kinh nghiệm tổ chức show diễn trước nhiều đám đông như vậy, tôi rất tự tin khi lần đầu làm đạo diễn âm nhạc của Du ca Việt. Mỗi show diễn của chương trình đều được tổ chức miễn phí cho người xem nên thu hút rất đông khán giả. Hơn nữa, chương trình đòi hỏi phải có tính tương tác lớn giữa những người biểu diễn và khán giả. Nhưng tôi và ê-kíp không gặp trở ngại nào từ khâu chuẩn bị, công tác tổ chức cho tới quá trình làm các show diễn. Đặc biệt, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân địa phương.

Bản thân tôi đã nỗ lực để đưa những gì đẹp nhất từ các show diễn đặc biệt của Thanh Lam, Tùng Dương… về với từng show diễn của chương trình. Tôi áp dụng cả vốn liếng văn hóa nhất định và lượng kiến thức mình có được về âm nhạc dân gian vùng miền về các thể loại như tuồng, chèo, cải lương, quan họ, ví, giặm, hát văn vào chương trình.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng ca sĩ trẻ Hoàng Quyên và một số thành viên trong ê-kíp.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng ca sĩ trẻ Hoàng Quyên và một số thành viên trong ê-kíp.

Tuy nhiên, quá trình vất vả nhất chính là những chuyến đi khảo sát ở 63 tỉnh, thành. Hầu như ở mỗi nơi, tôi đều phải trở lại tới 3 lần. Tổng cộng, tôi có tới hơn 180 lần đi khảo sát về địa điểm, nhân vật. Mỗi một số của chương trình chỉ lên sóng 20 phút nhưng thực tế quá trình thực hiện và quay mỗi show diễn trung bình là 120 phút.

Bên cạnh vai trò đạo diễn âm nhạc, anh còn là người dẫn chuyện. Vì sao anh không gọi mình là một MC mà lại là người dẫn chuyện?

- Tôi thích gọi mình là một người dẫn chuyện hay kể chuyện chứ không phải là một MC vì ở trong chương trình, tôi cũng là một người đồng hành cùng các nhân vật. Nhất là ở Du ca Việt, tôi đã làm việc với rất nhiều nhân vật đặc biệt như người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đây, quá trình tham gia làm các sản phẩm âm nhạc của tôi chủ yếu mang tính hợp tác giữa các cá nhân. Còn với Du ca Việt, tôi thấy mình có trách nhiệm làm việc với cộng đồng nên công việc đòi hỏi phải có sự hy sinh nhiều hơn. Vì thế, một người dẫn dắt cần là người chia sẻ cùng họ các câu chuyện.

Các nhân vật đa phần là những người ca hát nghiệp dư, chưa từng đứng trên sân khấu của một chương trình truyền hình. Từng làm việc cùng nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp, anh đã giúp đỡ họ như thế nào trước mỗi show diễn?

- Khi làm việc với những người ca hát nghiệp dư ở từng địa phương, tôi phải làm việc với họ bằng kinh nghiệm và sự đồng cảm. Tôi không thể để họ chơi những khúc du ca quá khó hay những ca khúc nặng về kỹ thuật. Đối với tôi, họ không chỉ là những người bình thường có niềm đam mê âm nhạc mà là những người nghệ sĩ đặc biệt. Tôi muốn để họ tự cất lên tiếng ca về cuộc sống của chính mình.

Đặc biệt, tôi đã có dịp gặp gỡ một số nghệ nhân, họ là những cụ ông, cụ bà đã hơn 90 tuổi. Đối với họ, âm nhạc dân gian không thể dùng từ “hát” mà hãy dùng từ “ca”. Điều đó sẽ làm âm nhạc dân gian trở nên gần gũi hơn với mọi người, là tiếng ca trong đời sống hàng ngày. Bản thân tôi cũng phải tìm hiểu thêm rất nhiều về các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian ở các vùng miền. Từ đó, tôi mới có thể hiểu được tiếng ca của họ và thả hồn mình vào những khúc du ca trên mỗi chuyến hành trình.

Trong quá trình gặp gỡ, chia sẻ cùng các nhân vật, anh có những kỷ niệm gắn bó với họ ra sao?

- Với Du ca Việt, tôi đã trải qua nhiều chuyến đi nên tất nhiên có nhiều kỷ niệm, trong đó có những nhân vật làm tôi rất nhớ. Chẳng hạn như nhân vật cậu bé Sùng A Lự với hoàn cảnh khiến tôi rất xúc động. Mẹ cậu bị bắt bán sang Trung Quốc, bố đưa hai anh em cậu vào trong hang đá, cách xa thành phố Cao Bằng 200km. Năm 11 tuổi, Sùng A Lự được một trung tâm bảo trợ xã hội đón về nuôi. Tham gia Du ca Việt, cậu bé đã xuất hiện trên sân khấu cùng một cô bé nhỏ hơn 2 tuổi nhưng có hoàn cảnh hoàn toàn đối lập. Hai hoàn cảnh khác nhau gặp gỡ trên cùng một sân khấu. Tôi nhận thấy đó là sự chạm gặp của tình thương, của cộng đồng xã hội ôm những đứa bé vào lòng.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn hướng dẫn em Sùng A Lự và bạn diễn tập luyện, chuẩn bị cho một show diễn ở Cao Bằng.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn hướng dẫn em Sùng A Lự và bạn diễn tập luyện, chuẩn bị cho một show diễn ở Cao Bằng.

Hay khi làm show diễn ở sân vận động Bắc Sơn (Lạng Sơn), thời tiết lúc đó chỉ lạnh 2 độ C, có người đã ôm tôi, bật khóc và bảo sẽ kể lại cho con cháu nghe về chương trình. Người đó nói rằng, chưa bao giờ có chương trình nào về địa phương lại đẹp, hay và ý nghĩa như thế. Những người đứng đầu ở các địa phương cũng luôn nói lời cảm ơn chúng tôi vì món quà văn hóa, tinh thần mà Du ca Việt mang đến. Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn để chúng tôi tiếp tục hành trình.

Sau hành trình dài với Du ca Việt, chắc hẳn bản thân anh đã “lãi” thêm được rất nhiều?

- Tôi đã trải qua chuyến hành trình dài với một nhóm ê-kíp tâm huyết, được gặp gỡ những con người có số phận khác nhau trong cộng đồng xã hội. Đó là những điều làm giàu cho tâm hồn tôi. Vì thế, với Du ca Việt, tôi thấy mình “lãi” nhất là những chuyến đi. Tôi nghiệm ra rằng cuộc đời vẫn còn nhiều thứ phải làm, nhiều nơi phải đến. Nếu chúng ta chỉ gói gọn mình trong những không gian quen thuộc hàng ngày thì sẽ không thể thấy hết được thế giới bên ngoài còn điều gì.

Còn với các nhân vật, họ đã được tham gia một cuộc chơi, được thỏa mãn ước mơ và niềm đam mê ca hát. Không chỉ có món quà về mặt tinh thần, chương trình còn đem đến cho họ quà tặng về vật chất để động viên họ luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi nghĩ, chương trình thể hiện rất rõ tiêu chí kết nối cộng đồng và kết nối yêu thương. Các thành viên ê-kíp đã làm việc cùng nhau với một khát vọng lớn. Những điều đó làm tất cả chúng tôi hạnh phúc sau những chuyến đi dài.

Có thể nói, Du ca Việt đánh dấu sự trở lại đầy ý nghĩa của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Vậy sau chương trình, anh có dự định sẽ cho ra mắt sáng tác âm nhạc mới không?

- Có lẽ tôi sẽ chờ đợi đến khi Du ca Việt trở thành một cái tên ổn định trong đời sống âm nhạc ở Việt Nam, sau đó mới nghĩ đến những dự định của cá nhân. Còn hiện tại, trong lòng tôi chỉ có Du ca Việt và hành trình âm nhạc dành cho cộng đồng.

Xin cảm ơn nhạc sĩ Lê Minh Sơn vì những chia sẻ!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước