Đạo diễn, NSƯT Việt Hương: “Cháy hết mình cho đam mê nghệ thuật”

Quang Ninh, Ảnh: Minh Tuấn - Ngọc Cường-Thứ năm, ngày 11/09/2014 11:58 GMT+7

Có lẽ vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, được tiếp xúc với nhiều câu chuyện nên tình yêu nghệ thuật đã nhập vào trái tim nữ đạo diễn, NSƯT Việt Hương từ đó.

Đạo diễn, NSƯT Việt Hương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, mẹ là giáo viên, bố là nhạc sĩ Lê Việt Hoà - tác giả của các ca khúc nổi tiếng như: Gửi em chiếc nón bài thơ, Gửi Sông La... Từ năm 1979 - 1984, chị đã theo học tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

Khi còn bé, Việt Hương thường đi theo bố nên hay được ngồi cùng trong các cuộc giao lưu với các nhạc sĩ là bạn của bố, là “chân” sai vặt của các cụ, lúc mua cút rượu, lúc mua đồ nhắm... Cũng vì thế nên Việt Hương được tiếp xúc với nhiều câu chuyện và tình yêu nghệ thuật đã nhập vào trái tim chị từ đó.

Một lòng đắm đuối nghệ thuật

Việt Hương bảo, chị học đàn tam thập lục tại Nhạc viện Hà Nội, nhưng lại rất thích hát nên từ ngày ra trường chị đã về Nhà hát ca múa nhạc làm ca sĩ. Vào những năm 1984, các ca khúc chị biểu diễn thường được phát theo yêu cầu thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam như: Áo mùa đông - sáng tác: Đỗ Nhuận, Hoa sim biên giới - sáng tác: Minh Quang, Gửi sông La – sáng tác: Lê Việt Hoà (bố của Việt Hương).

Nữ đạo diễn, NSƯT Việt Hương

Nữ đạo diễn, NSƯT Việt Hương

Là một ca sĩ nhưng ước mơ muốn trở thành một đạo diễn chuyên ngành về âm nhạc vẫn cháy bỏng trong chị. Do đó, chị tiếp tục thi vào trường Đại học Sân khấu điện ảnh, chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh. Năm 1999, chị về công tác tại Ban Văn nghệ - Đài THVN cho đến nay.

Chị thổ lộ: “Làm nghề đạo diễn, để có được những tác phẩm hay không dễ, nó đòi hỏi ngoài việc có năng khiếu, trình độ nghiệp vụ, vốn sống, vốn hiểu biết và những kiến thức tổng hợp thì cần phải có sự đam mê mới thành công. Nghề đạo diễn rất vất vả, mình không yêu nó thì mình không thể nào chịu đựng được áp lực. Những lần đi quay lúc nửa đêm, lúc nắng như chảo lửa mình ở ngay trên bãi cát, rất vất vả. Đàn ông đã mệt huống chi là phụ nữ, nhưng mình rất yêu nghề nên chẳng nản lòng, đó là “sinh nghề tử nghiệp”, là duyên nghiệp”.

Chuyện nghề thấm đẫm mồ hôi và gian khổ

Chị nhớ lại, khi dựng phim Người viết Cảm tử quân, vì mải làm mà không nhớ đến thời gian, khi công việc hoàn tất thì đã gần 4h sáng ngày 28 Tết. Về nhà gọi cửa, chồng giận không mở cửa cho vào, đành phải tỉ tê, giãi bày mãi, anh ấy mới nguôi giận. Có những lúc chồng chị đã trách rằng: “Em đi làm thì không thấy mệt, về đến nhà kêu mệt là sao?”. Chị bảo, đúng là đi làm dù có mệt thì cũng chưa bao giờ than vãn, mà chẳng có thì giờ nghĩ đến mình mệt hay không, vì lúc đó chỉ nghĩ đến công việc làm sao hoàn thành một cách tốt nhất thôi. Xong việc về đến nhà mới thấy người rã rời thì mới kêu than. Vậy nên, khi ông xã trách chị chỉ biết cười và nói: “Vì chỉ có anh thương em thôi nên em mới kêu với anh”. NSƯT Việt Hương là người rất yêu nghề. Đối với chị, nghệ thuật cứ như người tình vậy. Chính yêu nghề say đắm nên cống hiến không mệt mỏi, thích là làm như con thiêu thân.

Nghề chính của chị là đạo diễn ca nhạc, nhưng chị lại rất thích làm phim tài liệu vì nó giúp chị có thêm vốn sống. Bản thân chị cũng đã làm đến hơn 10 phim tài liệu. Do vậy, thỉnh thoảng chị vẫn cộng tác với các nhà điện ảnh tài liệu. Chị nhớ lại, có lần đang bị ốm nhưng khi NSND Đào Trọng Khánh gọi điện bàn công việc kịch bản sắp phải làm, chị quên cả ốm đau. NSND Đào Trọng Khánh đã từng nói về chị: “Hơi thở cuộc sống đầy ắp trong những tác phẩm của Việt Hương. Là người đam mê nghệ thuật nên mỗi khi bàn đến chuyên môn, Việt Hương hào hứng hẳn lên”.

Đạo diễn Việt Hương trong một lần làm phim

Đạo diễn Việt Hương trong một lần làm phim

Lần Việt Hương ra quần đảo Trường Sa làm phim ca nhạc Gần lắm Trường Sa, các phóng viên ra Trường Sa làm tin bài hầu hết là giới mày râu, họ cũng đã thấy mệt và say sóng. Vậy mà, với Việt Hương - “phận gái”, làm 7 video clip ca nhạc, 3 phóng sự. Lo nghĩ và tính toán như thế nào để đáp ứng được những ý tưởng là cả một vấn đề, chưa kể hành trang mang đi theo hết sức cồng kềnh với bao nhiêu thiết bị: máy quay, máy nổ, ray, cẩu, các thiết bị ánh sáng, đạo cụ, bối cảnh, cứ lên tàu, xuống bè, rồi lênh đênh trên biển khơi với những cơn sóng như nuốt chửng mình. Chưa kể, cái nắng Trường Sa như một chảo lửa, vậy mà, chị cùng ê-kíp vẫn làm việc. Khi đồng nghiệp nghỉ giải lao, chị vẫn cứ làm để tổng kết lại những cảnh gì đã quay được, còn thiếu cảnh gì thì phải tiếp tục quay cho đủ, vì thời gian chỉ giới hạn 2 tiếng nên phải làm việc khẩn trương. Các chiến sĩ Hải Quân phải thốt lên: “Xem một bài hát 5 phút thoáng cái là hết. Hôm nay, thấy các anh chị làm việc, em thấy khổ hơn cả chúng em trên thao trường”.

Chị còn nhớ, khi triển khai quay cảnh tuần tra trên biển, chiếc ca-nô phóng hết tốc lực bay lên khỏi mặt nước như những con mãnh hổ rồi lại rơi bịch xuống. Nhưng không hiểu sao, lúc đó chị không thấy sợ và chẳng bị say sóng, chỉ thấy rất thích và sung sướng vì có được những cảnh quay tuyệt vời. Không chỉ mình chị mà cả quay phim Minh Tuấn có lần đã suýt bị hất cả người lẫn máy xuống đại dương, may mà trước lúc quay ê-kíp đã cử một phụ quay làm nhiệm vụ ôm và giữ người Tuấn, để đề phòng Tuấn ngã xuống biển. Do có sự chuẩn bị và lường trước nên cả ê-kíp không hề hấn gì. Cảnh quay "Lễ tưởng niệm các liệt sĩ trên con tàu ngoài đại dương" vì không có tàu thứ 2 để đặt máy quay, nên để có được toàn cảnh buổi lễ, ê-kíp đã cho cẩu vươn ra ngoài con tàu, quay phim MinhTuấn phải buộv người và máy quay vào chiếc cẩu sắt cho khỏi rơi để thực hiện cảnh quay. Lúc lên cẩu, Minh Tuấn nói vui: “Chị ơi, nếu chiếc cẩu này mà rơi xuống thì không cứu được em đâu vì nó toàn là sắt nặng thì chìm nhanh lắm”. Khán giả xem truyền hình 40 phút phim ca nhạc Gần lắm Trường Sa, tưởng làm đơn giản lắm, nhưng nó là công sức của sự lao động cật lực bằng tất cả trái tim và sức lực của ê-kíp lênh đênh trên quần đảo Trường Sa hơn 10 ngày, làm việc từ 4h sáng đến 11h đêm.

Là phận nữ nhưng đạo diễn Việt Hương không ngại khó, ngại khó

Là phận nữ nhưng đạo diễn Việt Hương không ngại khó, ngại khổ

Trên biển là vậy, còn leo núi làm phim cũng vất vả không kém. Năm 2006, chưa có công nghệ flying-cam có thể bay trên cao quay những viễn cảnh và toàn cảnh, đạo diễn Việt Hương làm chương trình Hương Sơn ca, chị, quay phim Sĩ Khoa và ê-kíp phải leo lên đỉnh núi để quay. Để lên được đỉnh núi phải có vài ba thanh niên cầm dao đi trước trước phạt cây mở đường, cứ thế nối nhau leo lên, dốc theo phương thẳng đứng, đến nỗi chân của người đi trước, đạp lên đầu của người đi sau, còn chân của người đi sau lại đạp lên đầu người khác. Có lẽ chỉ có sự đam mê với nghề mới đem lại sức mạnh cho con người ta vượt qua mọi hiểm trở.

Là một đạo diễn nữ, dù thành công đến mấy, thì thiên chức làm mẹ, làm vợ phải được hoàn thành và mái ấm gia đình phải được gìn giữ. Chị chia sẻ: “Để được có được thành công trong sự nghiệp và cháy hết mình với tình yêu, tôi luôn cảm ơn người chồng đã hết mực yêu thương mình. Đó là “hậu phương” vững chắc cho tôi trên con đường đến với nghệ thuật và cháy hết mình với niềm đam mê”.

Đạo diễn, NSƯT Việt Hương nhận giải thưởng cho bộ phim ca nhạc "Cây đàn Điện Biên" do chị đạo diễn tại Lễ trao giải "Ấn tượng VTV" tối 5/9 tại Đài THVN

Đạo diễn, NSƯT Lê Thị Bằng Hương (Việt Hương) hiện đang làm Đạo diễn - Biên tập viên chính, Phó trưởng phòng Ca nhạc 1, Ban Văn nghệ - Đài THVN. Năm 1984, tốt nghiệp loại khá khoa Nhạc cụ cổ truyền “Đàn Tam thập lục” tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1999, tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh - trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Năm 2003, tốt nghiệp loại Khá - Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Năm 2008, tốt nghiệp xuất sắc Thạc sỹ nghệ thuật Điện ảnh Truyền hình - Trường Đại học Sân khấu điện ảnh.

NSƯT Việt Hương đã đoạt được nhiều giải thưởng: Cánh diều Vàng phim Tài liệu nghệ thuật Thuở bình minh tân nhạc (2010); HCV phim ca nhạc Khát vọng xanh - LHTHTQ 2006; HCV chương trình ca nhạc “Sóng đôi” - LHTHTQ 2009; HCV phim ca nhạc Mây xa - LHTHTQ 2011; HCV phim ca nhạc Gần lắm Trường Sa - LHTHTQ 2012; giải Video clip xuất sắc VTV Bài hát tôi yêu (2005); giải Bông sen Bạc phim Tài liệu nghệ thuật Người viết cảm tử quân - LH phim Việt Nam lần thứ 12 cùng rất nhiều Huy chương Bạc và Bằng khen khác.

Mới đây, ê-kíp của đạo diễn, NSƯT Việt Hương nhận được giải thưởng tại Lễ trao giải Ấn tượng VTV cho hạng mục "Chương trình Văn hóa - Xã hội - Khoa học - Giáo dục ấn tượng" do Đài THVN tổ chức và khán giả là người bình chọn.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước