Sau vòng chung kết Sao Mai 2013 về dòng nhạc thính phòng vừa qua, bản thân Đăng Thuật là cựu thí sinh của chương trình thì anh có đánh giá như thế nào về chất lượng thí sinh năm nay?
Đăng Thuật: Đã 6 năm kể từ khi tham dự Sao Mai cho đến nay, Đăng Thuật vẫn luôn theo dõi chương trình như một thói quen. Mặc dù, nhiều chương trình âm nhạc khác xuất hiện nhưng Sao Mai vẫn là sân chơi duy nhất chuyên về dòng nhạc thính phòng và dân ca.
Dưới góc độ của một khán giả và là người từng tham dự chương trình, bản thân Thuật thấy các thí sinh hiện nay có sự đổi mới rất nhiều về phong cách biểu diễn và trang phục. Bên cạnh đó, mỗi mùa Sao Mai đã có sự thay đổi về format để hấp dẫn, thu hút thí sinh và khán giả truyền hình.
Đêm chung kết về dòng nhạc thính phòng vừa qua, Thuật thấy các thí sinh hát rất tốt và chất lượng đồng đều. Đặc biệt, Thuật ấn tượng giọng ca của cô gái mang hai dòng máu Việt – Czech, Martina Nguyenova Thủy. Mặc dù sống ở nước ngoài nhưng Thuật thật sự bất ngờ bởi cô gái này có cách phát âm “tròn vành, rõ chữ” và phong cách biểu diễn, giọng hát mang đậm hương vị quê hương, cách xử lý âm vực bài bản.
Bên cạnh đó, thí sinh Đào Văn Mác cũng có chất giọng đẹp nhưng có thể do nhiều áp lực nên dường như bạn bị căng thẳng quá.
Vậy còn dòng nhạc dân ca trong đêm chung kết tới thì sao? Theo nhận định của riêng anh, thí sinh nào sẽ có màu sắc nổi bật nhất?
Đăng Thuật: Thuật hy vọng thí sinh Trần Thụy Miên sẽ gây ấn tượng và đạt giải cao. Theo đánh giá của cá nhân, Thuật rất thích giọng ca ngọt ngào và nhiều cảm xúc của Thụy Miên. Rất có thể, cô gái này sẽ đem lại vinh quang cho quê hương Hà Tĩnh.
‘ Album mới của ca sỹ Đăng Thuật
Từ mùa giải Sao Mai 2007 đến nay, anh thấy chất lượng thí sinh nam về dòng nhạc dân ca như thế nào?
Đăng Thuật: Thuật thấy số lượng thí sinh nam hát nhạc dân ca ngày càng ít dự thi. Cơ bản dòng nhạc dân ca thường có xu hướng hợp với giọng nữ trữ tình và mềm mại nên có thể thí sinh nam giờ cũng ít hơn.
Bước ra từ Sao Mai, bản thân anh thấy mình đã có những bước tiến ra sao trên con đường âm nhạc?
Đăng Thuật: Đến bây giờ, Thuật chững chạc hơn, xử lý ca khúc tinh tế với học hỏi được nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm với cảm xúc tốt hơn so với thời điểm dự thi. Nhắc đến Thuật, khán giả vẫn nhớ tới Sao Mai và dành tình cảm yêu mến. Thuật đi hát nhiều hơn và ấp ủ “đứa con tinh thần” là album vừa mới ra mắt mang tên “Bến xưa”.
Tại sao từ ngày tham dự Sao Mai cho đến nay anh mới cho ra mắt album? Làm nghệ thuật mà có khoảng lặng lâu quá anh không sợ khán giả quên mình sao?
Đăng Thuật: Thuật luôn trăn trở về điều này. May sao Thuật vẫn được khán giả đón nhận mỗi khi đi diễn. Thuật cũng muốn ra mắt album sớm nhưng vì một số lý do cộng với việc Thuật muốn sản phẩm âm nhạc của mình kỹ lưỡng nên cần thời gian lâu hơn. Đây là album do Thuật tự biên tập và hài lòng với 9 ca khúc của dòng nhạc dân ca. Đó là những sáng tác cũ nhưng Thuật đã phối khí và “làm mới” với hy vọng sẽ đến gần hơn với khán giả trẻ.
Anh có thể nói cụ thể hơn cách “làm mới” trên ca khúc cũ của anh được chứ? Bên cạnh đó, anh còn giới thiệu ca khúc nào mới không?
Đăng Thuật: Dòng nhạc dân gian không giống nhạc nhẹ dễ dàng đặt hàng các ca khúc bởi nhạc sỹ thường viết theo cảm xúc và những ca khúc có vị trí trong lòng khán giả đã được chứng minh theo thời gian. Chính vì vậy, Thuật hát những ca khúc vốn được nhiều ca sỹ thể hiện thành công nhưng tìm cách “làm mới” ở chỗ phối khí và luyến láy khác đi.
Bên cạnh đó, trong album Bến xưa, Thuật cũng giới thiệu đến khán giả ca khúc mới như Đàn tranh mạ, Ca dao sông quê. Qua đây, Thuật mong rằng khán giả sẽ đón nhận và ủng hộ giọng nam dân ca để Thuật có động lực phát triển hơn.
Ngay sau album Bến xưa, dự định sắp tới của anh ra sao?
Đăng Thuật: Thời gian tới, Đăng Thuật dự định sẽ cho ra mắt album thứ 2 để có những bước tiến dài hơn trên sự nghiệp âm nhạc.
Cám ơn Đăng Thuật và chúc anh thành công!