Ở đây, văn tài của tác giả đã được thể hiện khi chị đã vẽ lại rất thành công hình ảnh một thành phố Huế trong quá khứ trong quãng thời gian cách đây ngót một thể kỷ cho tới những năm cuối của thập niên 1980. Đó là một thành phố buồn, với những số phận rất khác nhau của những người thân trong dòng họ nhưng tựu trung lại tất cả đều có kết cục khá buồn. Quá khứ vàng son của một dòng tộc từng sở hữu thương hiệu vàng Tài Nguyên nổi tiếng khắp mạn Nam Trung Bộ cũng giống như số phận và quá khứ của thành phố Huế, mảnh đất kinh kỳ một thủa của triều Nguyễn. Vàng son một thủa nhưng rồi nước chảy đá mòn, cuối cùng còn lại chỉ là khí, chỉ là hư vô.
Nhưng tập truyện ngắn không chỉ duy nhất có câu chuyện buồn về thành phố Huế và những người trong dòng tộc ngày nào của tác giả, mà trong 13 truyện ngắn được tập hợp lại cũng có những câu chuyện đầy lãng mạn mang theo biết bao mơ ước về cuộc đời của chị. Đó là câu chuyện của nhân vật Khánh đen, một con nghiện bán lẻ heroin, nhưng cũng là người trồng đào bên hồ Hỏa Tước trong truyện ngắn “Mặt hồ lóng lánh hoa đào”. Từ khi đem đào về trồng trong vườn nhà, Khánh đen không những thay đổi hẳn cuộc sống, từ bỏ nghề bán lẻ heroin mà Khánh còn giúp những con nghiện trong khu bãi rác ven hồ và cũng là hàng xóm của hắn từ bỏ nghiện ngập, hướng tới một cuộc sống gia đình tử tế, lương thiện. Kết thúc truyện, tác giả viết: “Sát nút Tết, chẳng chờ năm mới đến, một đám cưới giản dị được dân khu hồ Hỏa Tước chào đón. Cô dâu quê miền núi xa xôi được nhà trai đón đi vòng quanh hồ, lướt qua vườn đào đang miên man trong gió từ mặt hồ”. Một cái kết quá lãng mạn và cảm động nếu bạn đọc biết rằng chú rể từng là một con nghiện không biết đến ngày mai và cô dâu thì từng là một gái ăn sương và đã từng chẳng còn hy vọng gì vào cuộc sống.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.