Trong làng văn học Việt Nam rất hiếm có nhà văn nào nhận được sự yêu thương, mến mộ từ nhiều thế hệ độc giả khác nhau như nhà văn Tô Hoài. Nếu các bạn nhỏ biết đến ông như một người bạn dí dỏm, đáng yêu trong hành trình "Dế mèn phiêu lưu ký" và series truyện ngộ nghĩnh về loài vật, độc giả lớn tuổi biết đến ông như một cây đại thụ của làng văn với nhiều tác phẩm đã trở thành tượng đài bất hủ như "Vợ chồng A Phủ", "Cứu đất cứu Mường", "Chuyện đầm sen đền Đồng cổ"....
“Cỏ dại” là hồi ký đầu tay của Tô Hoài, được viết khi nhà văn mới ngoài 20 tuổi (năm 1944). Thời thơ ấu thấm đẫm nỗi buồn của cây đại thụ làng văn học Việt được tái hiện rõ nét trong “Cỏ dại”, thông qua nhân vật chính là Cu Bưởi. Cuốn hồi ký rất mỏng, chỉ vỏn vẹn 138 trang. Trong phần đời “cỏ dại” ấy có ông bà ngoại, thầy u, em Hồ, dì Niêm, chú Tưởng, bà Thấp, ông Phán, cô Chi, chú Tịnh… Nhà văn kể chuyện như cách một đứa trẻ vừa đi qua tuổi thơ của nó rồi quay trở lại nhìn ngắm một lần nữa với vai trò “người ngoài cuộc”. Hồi ký “Cỏ dại” giúp ta hiểu một cách sinh động về những gì đã tạo nên tâm hồn cũng như nét đặc sắc trong phong cách suốt cuộc đời của nhà văn Tô Hoài.
Nằm trong hệ thống hồi ký văn học của Tô Hoài, “Những gương mặt” được coi là tác phẩm mở đầu cho thành công về đề tài chân dung văn học của ông. Với cuốn “Những gương mặt”, Tô Hoài đã dành những nét vẽ chân thật và sinh động nhất để phác họa chân dung một thế hệ cầm bút, từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng đến Trúc Đường, Như Phong, Nguyễn Bính... Giọng văn hóm hỉnh, tự nhiên đã khiến “Những gương mặt” văn nhân với độc giả tưởng xa vời cùng ánh hào quang lấp lánh bỗng trở nên bình dị, gần gũi hơn.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!