VTV.vn - Năm 2019 đánh dấu 25 năm ngày Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 chính thức có hiệu lực.

Năm 2019 đánh dấu 25 năm ngày Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 chính thức có hiệu lực. Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển được thông qua ngày 30/4/1982 đánh dấu kết quả của 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật Biển.

Được coi như "Hiến pháp về biển và đại dương", Công ước Luật Biển 1982 ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 1.

Kế thừa các điều ước quốc tế về biển trước đó, đồng thời pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế, Công ước đã đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển.



Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 2.
Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 3.
Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 4.

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea hay UNCLOS) năm 1982, được thông qua ngày 30/4/1982.

Công ước bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994.

Công ước Luật Biển năm 1982 gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục.

Các cơ quan tài phán quốc tế theo quy định của Công ước:

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS, cơ quan được thành lập bởi Công ước), Tòa trọng tài, Tòa trọng tài đặc biệt...

Theo quy định tại Phần XV của Công ước, khi phát sinh tranh chấp, các quốc gia cần giải quyết một cách hòa bình, bằng các biện pháp do các bên lựa chọn như đối thoại, đàm phán, hòa giải…

Nếu các biện pháp trên không đem lại giải pháp, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS, cơ quan được thành lập bởi Công ước) hoặc Tòa trọng tài, Tòa trọng tài đặc biệt.

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 5.
Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 6.
Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 7.
Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 8.

Yêu sách đường 9 đoạn bất hợp pháp của Trung Quốc!

Là thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.

"Số lượng các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển 1982 đã lên đến 168 quốc gia và tổ chức quốc tế. Đương nhiên với bất kỳ quốc gia nào, việc tham gia vào Công ước cũng có ý nghĩa rất quan trọng và đem lại những lợi ích. Vì trong Công ước quy định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Với việc tham gia vào Công ước, các quốc gia sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc để ban hành các văn bản pháp luật trong nước để quy định vè quyền, về quy chế pháp lý các vùng biển.

Ngoài ra thì với việc trở thành thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam cũng sẽ được quyền sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước. Và bất kỳ khi nào có trường hợp nào đụng độ giữa Việt Nam và các nước, những quy định của Công ước Luật Biển 1982 sẽ là khung pháp lý rõ ràng để các nước trên thế giới nhìn nhận đâu là đúng sai và lên tiếng ủng hộ lợi ích hợp pháp của Việt Nam và phản đối các hành vi vi phạm".

"Hơn nữa khi Công ước quy định quyền và bình đẳng cho các nước, nhưng với các nước nhỏ, thì việc chúng ta dựa vào pháp luật để đấu tranh và bảo vệ lợi ích cũng sẽ đem lại lợi ích rõ ràng và thiết thực hơn, trong khi các nước lớn thì ngoài việc dựa vào khung pháp luật, họ có thể có những ưu thế khác nữa", TS. Phạm Lan Dung cho biết.

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 9.
Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 10.

Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu "tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982", coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC); "Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông"; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng Công ước Luật Biển làm cơ sở).

Phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế về biển cũng là một nội dung quan trọng. Căn cứ các quy định của Công ước, Việt Nam đã và đang tiến hành có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý, phục vụ phát triển đất nước. Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và triển khai các biện pháp ngăn chặn tội phạm trên biển, góp phần thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước.

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 11.
Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 12.

Vấn đề tranh chấp Biển Đông, luôn luôn là một vấn đề nóng, nếu không phải những "cơn sóng dữ" sẽ là những "đợt sóng ngầm" luôn thường trực, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới như vụ việc Giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 hay Phán quyết về vụ kiện giữa Phillipines và Trung Quốc năm 2016. Công ước Luật biển LHQ đã đóng vai trò như thế nào đối với những vấn đề này?

Trả lời câu hỏi trên, TS. Phạm Lan Dung cho hay: "Vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa Giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều soi xét các tính chất pháp lý của vụ việc này dưới ánh sáng của Công ước Luật Biển. Trước tiên, các nước sẽ nhìn nhận xem vị trí mà Giàn khoan 981 triển khai các hoạt động của mình ở đâu.

Theo như Công ước Luật Biển, vị trí Giàn khoan 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lúc địa của Việt Nam nhưng cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ đảo Hải Nam của Trung Quốc. Đây là vùng đặc quyền kinh tế mà chưa phân định. Theo quy định của Luật biển quốc tế, các nước không được tiến hành khai thác đơn phương ở những vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chưa được phân định".

"Vụ việc Phillipines và Trung Quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Trong vụ việc này, không những toà đã dựa trên Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết những vấn đề được nêu ra trong đơn kiện mà quyết định của toà còn có ý nghĩa như án lệ làm sáng tỏ những quy định của Công ước Luật Biển 1982. Những vấn đề lớn mà phán quyết đạt được theo quy định của Công ước đó là yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý dựa trên cơ sở Công ước Luật Biển 1982, luật biển quốc tế cũng như luật pháp quốc tế nói chung.

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 13.

Thành công thứ hai của phán quyết là đã xác định được quy chế pháp lý của các thực thể trong phạm vi mà Phillipines đưa ra nằm trong quần đảo Trường Sa. Tòa trọng tài đưa ra kết luận không có một thực thể nào, một cấu trúc địa lý nào trong phạm vi mà Philippines đưa ra có thể có vùng biển rộng hơn 12 hải lý. Tòa cũng nêu rõ là các bãi chìm thì không thể là đối tượng yêu sách chủ quyền riêng rẽ và các bãi chìm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước nào thì thuộc quyền chủ quyền của nước đó".

Đối với diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian qua, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước Luật Biển 1982, chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Mới đây nhất, đầu tháng 7/2019 nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có những hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính.

Trước sự việc này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982".

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 14.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 cuối tháng 7 năm 2019 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt đôṇg của Tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các hành động như vậy, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luâṭ pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

T.S Phạm Lan Dung cho rằng trong vụ việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thời gian vừa qua, có những dấu hiệu của việc tàu khảo sát Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam về thăm dò tài nguyên ở cùng đặc quyền kinh tế. Bởi lẽ, với công nghệ hiện nay, chỉ với việc đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác đã có thể thực hiện việc thăm dò.

Tuy nhiên để đưa ra những đánh giá từ góc độ pháp lý của các vụ việc như vậy thì cần phải xem xét nhiều yếu tố: "Thứ nhất, chúng ta cần phải tìm hiểu vị trí xảy ra hoạt động của tàu khảo sát là ở đâu.

Theo tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, khu vực này là khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Như vậy, hoạt động tàu khảo sát hoàn toàn nằm trong khu vực 200 hải lý tính từ đường bờ biển của Việt Nam và không chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia nào".

"Việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền với các bãi san hô ngầm ở khu vực Nam Biển Đông cũng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam ở vùng EEZ và thềm lục địa. Bởi theo quy định UNCLOS thì các bãi san hô ngầm không phải đối tượng để yêu sách chủ quyền riêng rẽ.

Và cũng theo quy định của Công ước, bãi san hô ngầm nằm trong vùng EEZ và thềm lục địa nước nào sẽ thuộc quyền chủ quyền của nước đó. Vậy phạm vi nào của bãi san hô ngầm nằm trong vùng EEZ và thềm lục địa của VN thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam", bà Phạm Lan Dung phân tích.

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 15.

Công ước Luật biển 1982 cũng như Hiến chương LHQ và các quy định khác của luật pháp quốc tế đã nêu rất rõ rằng các quốc gia phải có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình. Trong Công ước Luật biển 1982 cũng nêu rõ biện pháp đầu tiên các quốc gia cần sử dụng, đó là biện pháp đàm phán, trao đổi quan điểm. Công ước còn nêu rõ, để các quốc gia có thể sử dụng biện pháp tư pháp, có thể đưa ra toà thì các quốc gia phải đảm bảo đã thực hiện trao đổi quan điểm, đàm phán và không có hiệu quả.

Theo TS. Phạm Lan Dung, phản ứng các quốc gia trên thực địa cũng rất quan trọng. Bởi khi xảy ra những vụ việc tương tự trong vụ nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc có những hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, lực lượng chấp pháp các quốc gia sẽ thực hiện chức năng của mình là yêu cầu tàu khảo sát của nước ngoài ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình và ngừng các hoạt đọng thăm dò.

Trong trường hợp tàu khảo sát và hộ tống có hành vi chống đối, gây hấn lại, thì theo quy định của luật quốc tế, tàu chấp pháp của quốc gia ven biển có thể thực hiện các biện pháp vừa tự vệ vừa thực hiện chức năng của mình. Tuy nhiên Luật quốc tế cũng yêu cầu là những biện pháp của cơ quan chấp pháp phải phù hợp với luật quốc tế, phải đáp ứng được mưc độ cần thiết và tính tương xứng.

"Sau khi các quốc gia đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đàm phán trao đổi quan điểm, các biện pháp phù hợp với luật ở thực địa thì các quốc gia ven biển có thể lựa chọn các biện pháp quy định trong Công ước", bà Phạm Lan Dung cho biết thêm.

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 16.

Đối với Việt Nam, khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định trong Công ước nhưng quyền và lợi ích ở các vùng biển của Việt Nam vẫn bị vi phạm thì lúc đó có thể xem xét và xác định những vấn đề nào nằm trong những phạm vi các cơ chế, quy định mà Công ước cho phép. Ở đây, chúng ta nói đến Tòa trọng tài theo Phụ lục 7.

"Những vấn đề về tranh chấp chủ quyền thì không nằm trong phạm vi chủ quyền của Công ước Luật Biển. Những vụ việc liên quan đến phân định biển cũng không nằm trong phạm vi giải quyết tranh chấp và còn nhiều những cái hạn chế khác. Tuy nhiên, có những vấn đề mà Việt Nam có thể xem xét để đưa ra kiện theo tòa trọng tài ở Phụ lục 7. Đó là những vấn đề như liên quan đến việc xác định các quy chế pháp lý của các thực thể, trong đó có những bãi chìm. Dựa trên việc xác định quy chế pháp lý của những thực thể đó, nếu như tòa đưa ra những quyết định rõ ràng thì sẽ hạn chế khả năng các nước khác đưa ra những yêu sách không có cơ sở đối với những thực thể, và cố tình tạo ra những vùng chồng lấn với những vùng biển của Việt Nam".

“Khả năng thứ 2 là Việt Nam có thể đưa ra trước các cơ quan tài phán về việc giải quyết những tranh chấp trong trường hợp mà quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Việt Nam ở những vùng biển không có tranh chấp bị vi phạm. Đây cũng là một cách tiếp cận đem lại nhiều khả năng tòa sẽ quyết định là có thẩm quyền xét xử”.

Việt Nam và 25 năm tham gia Công ước Luật Biển 1982 - Ảnh 17.

Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia nào của Công ước Luật Biển đều phải cân nhắc rất cẩn trọng khi áp dụng các biện pháp tư pháp, bởi trong đó có cả những yếu tổ có thể ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. Nhìn vào kinh nghiệm của các nước giải quyết tranh chấp ở trong khu vực cũng như quốc tế thì thấy rằng những vụ việc như vậy thường kéo dài rất nhiều năm. Các quốc gia bị kiện cũng có thể có những hành vi gây sức ép. Những thay đổi ngay trong nội bộ của quốc gia mà chủ động kiện trong khoảng thời gian kéo dài nhiều năm có thể ảnh hưởng đến mức độ cam kết, cũng như quyết tâm chính trị. Sự đồng thuận trong nước là điều vô cùng quan trọng. Tất nhiên những yếu tố như sự chuẩn bị, đội ngũ chuyên gia pháp lý, việc phân công những cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính, những cơ quan phối hợp như nào… đều là những yếu tố cần phải chuẩn bị rất kỹ càng. Trong giải quyết tranh chấp, biện pháp đàm phán bao giờ cũng được coi là biện pháp hiệu quả nhất, nên được ưu tiên sử dụng nhất.

Đặc biệt, có lẽ yếu tố phải lưu ý, nhất là với đông đảo người dân, đó là việc quản trị kỳ vọng. Vì nếu hiểu luật biển thật kỹ thì chúng ta biết rằng phạm vi vấn đề được đưa ra cơ chế tài phán không phải là tất cả. Vấn đề chủ quyền rất khó để đơn phương đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế. Vì vậy phải quản trị kỳ vọng và xác định với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Các phán quyết của Tòa quốc tế dựa trên UNCLOS sẽ không kèm theo chế tài, cơ chế để thi hành. Tuy nhiên, việc một quốc gia đưa ra tuyên bố không tuân thủ một phán quyết của tòa quốc tế không làm mất đi tính ràng buộc và hiệu lực pháp lý của phán quyết đó. Đây cũng là nguyên tắc nền tảng của hệ thống pháp luật quốc tế.

"Trên thực tế, các quốc gia cân nhắc rất kỹ lưỡng, và rất hiếm trường hợp các quốc gia thực tế vi phạm các quy định của cơ quan tài phán quốc tế. Vì họ hiểu rất rõ việc không tuân thủ phán quyết ảnh hưởng như thế nào đến vị thế, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Với những nguyên tắc nền tảng của hệ thống pháp luật quốc tế là phải tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế, khi đã là một bên của tranh chấp, theo như quy định của Công ước mà quốc gia đó là thành viên, thì phải có nghĩa vụ thực hiện phán quyết. Việc không thực hiện phán quyết thách thức nền tảng pháp lý của trật tự quốc tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định trong quan hệ quốc tế, và ảnh hưởng ngược lại tới lợi ích của quốc gia.

Chính vì vậy, Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia thành viên công ước thì đều ý thức được rất rõ ý nghĩa của việc tuân thủ các phán quyết này. Đây sẽ là nền tảng đảm bảo hòa bình và ổn định", TS. Phạm Lan Dung nói.

Công ước Luật Biển 1982 có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong đời sống pháp luật quốc tế hiện nay. Văn kiện này đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia và xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước, kể từ khi chấp nhận sự ràng buộc và trở thành một quốc gia thành viên của Công ước 25 năm trước.

Trong bối cảnh tranh chấp phức tạp hiện nay ở Biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước Luật Biển 1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.

Thanh Huyền
Nguyễn Duy
07/11/2019
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước