Khởi chiếu vào ngày 28/2, The Invisible Man (Kẻ vô hình) đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu đối với tất cả khán giả yêu thể loại kinh dị. Chỉ trong 3 ngày mở màn, bộ phim đã mang về doanh thu 29 triệu USD tại các phòng vé nội địa Bắc Mỹ. Đối với các bộ phim thuộc thể loại kinh dị, đây là con số doanh thu đáng mơ ước. Sức hút của bộ phim có lẽ đến từ chính nội dung kịch tính và diễn xuất đáng kinh ngạc của dàn diễn viên.
The Invisible Man theo chân Cecilia Kass (Elisabeth Moss thủ vai) và cuộc sống với người chồng Adrian (Oliver Jackson-Cohen thủ vai). Cuộc sống của cô là niềm ao ước của nhiều cô gái trẻ khi được ở bên một nhà khoa học điển trai, lịch lãm. Tuy nhiên, khác xa vẻ bề ngoài hào nhoáng, Adrian lại là một gã đàn ông gia trưởng và độc đoán. Ở trong mối quan hệ ấy, Cecilia bị kiểm soát về mọi mặt, thậm chí ngay cả hơi thở. Điều này đã khiến cô quyết định chạy trốn khỏi người tình, tìm đến một cuộc sống tự do.
Tưởng chừng cuộc đời Cecilia sẽ tươi sáng hơn, đặc biệt là sau khi Adrian tự sát, thế nhưng đây mới thực sự là lúc cơn ác mộng của cô bắt đầu.
Một thời gian sau, cô vẫn cảm nhận được sự hiện diện của Adrian xung quanh mình, điều kị lạ chính là cô không thể nhìn thấy anh. Cecilia nghi ngờ Adrian chưa thực sự qua đời mà tự biến mình thành người vô hình để tiếp tục hành hạ cô.
Mối nghi ngại quá hoang đường khiến Cecilia tự vấn lại chính sự điên rồ của bản thân trong khi mạng sống của cô vẫn đang bị đe dọa từng giây.
Có thể thấy, bản thân cốt truyện của tác phẩm điện ảnh này đã khiến nhiều khán giả tò mò. Khác hẳn với thể loại kinh dị thường thấy, The Invisible Man mang đến một trải nghiệm khác lạ khi "ác quỷ" lần này là con người với những nỗi sợ mang danh bạo lực, lạm dụng và gia trưởng. Điều này đã thu hút không chỉ những người hâm mộ trung thành của các phim kinh dị mà còn thu hút cả những đối tượng khác đến rạp.
"Người vô hình" từng xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm cùng tên của H. G. Wells.
Thực tế, "người vô hình" không phải một khái niệm mới mẻ. Nhân vật phản diện này đã từng ra mắt công chúng lần đầu tiên trong tác phẩm cùng tên của tác giả Herbert George Wells.
Ở trong tác phẩm này, nhà khoa học Griffin đã nghiên cứu ra cách để trở nên vô hình. Tuy nhiên, thay vì công bố nghiên cứu với thế giới, Griffin bắt đầu suy tính để làm việc ác, từ đó dẫn đến những câu chuyện kì dị khác.
Điều cốt lõi làm nên sự đáng sợ của Kẻ vô hình đến từ cảm giác hoảng loạn khi bị rình rập mà chẳng thể chống cự.
Đạo diễn Leigh Whannell nắm bắt rõ điều này và từ đó tạo nên một phiên bản hiện đại đầy mới lạ của câu chuyện kinh điển. Đó là khi những nét xấu nhất của đàn ông được đưa vào điện ảnh nhưng lại được đẩy lên đến cao trào tới mức bệnh hoạn nhất: Một gã đàn ông với đầu óc thiên tài, vẻ bề ngoài lịch lãm, thế nhưng lại là kẻ gia trưởng, biến thái và độc đoán đến kinh hoàng. Và hơn cả, góc nhìn mà đạo diễn khai thác lần này chính là góc nhìn từ một nạn nhân khi bị kẻ vô hình bám đuổi.
Khi nhìn vào hình ảnh của người chồng Adrian, khán giả thoáng nhận thấy nét tương đồng giữa anh và nhân vật triệu phú Christian Grey trong Fifty Shades of Grey (50 Sắc Thái). Tuy nhiên, nếu như Christian Grey vẫn là hình mẫu lí tưởng của nhiều khán giả thì Adrian lại là nỗi ám ảnh của hàng loạt người xem.
Nếu như trong những bộ phim kinh dị thông thường, yếu tố gây sợ hãi một phần đến từ vẻ ngoài ghê rợn và những màn "jump-scare" thì The Invisible Man lại mang đến một trải nghiệm khác.
Adrian khiến người xem sợ hãi bởi chính sự máu lạnh, sự tàn độc của mình, thể hiện tất cả những gì xấu xa nhất của một con người. "Vô hình" dường như chỉ là một yếu tố khiến người xem sợ hãi và hồi hộp hơn mà thôi. Kẻ sát nhân sự dụng dao, búa… làm hung khí, còn với Adrian, vũ khí của anh chính là chiếc áo giáp vô hình.
Thế nhưng, The Invisible Man không phải cuộc rượt đuổi bất tận giữa kẻ phản diện và nhân vật chính. "Kẻ vô hình" Adrian cũng không phải nhân vật duy nhất gây ám ảnh cho người xem. Ngược lại, càng về đến cuối phim, khán giả càng ngạc nhiên với sự thay đổi tâm lý bất ngờ của người vợ.
Ban đầu là sự sợ hãi, sau đó đến việc quyết định chạy trốn, và cuối cùng là sự chủ động tấn công, tất cả đều được Elisabeth Moss khắc họa rõ nét với nhân vật Cecilia. Thậm chí, nhiều nhà phê bình khẳng định, thành công của The Invisible Man có công lớn của Elisabeth Moss.
Sự thay đổi tâm lý của nhân vật Cecilia khiến nhiều khán giả "ớn lạnh".
Việc thể hiện tâm lý nhân vật một cách linh hoạt chính là điểm mạnh của nữ diễn viên. Cô đã mang đến một hình ảnh chân thực nhất về một nạn nhân bị bạo hành và lạm dụng trong thời gian dài. Đó là sự hốc hác đến tiều tụy của một người mang tiếng là vợ đại gia. Sống giữa một căn biệt thự khổng lồ, nhưng nhân vật Cecilia vẫn chỉ như một tù nhân trong chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, cho đến nửa cuối bộ phim, khán giả lại phải ngạc nhiên khi kẻ tù nhân đã vùng dậy đấu tranh. Việc khao khát tự do đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Cecilia và điều đó cũng khiến cô quyết định phải tự giúp mình thoát khỏi cơn ác mộng này.
Đối với nhiều khán giả, hình ảnh của Elisabeth Moss trong bộ phim lần này mới thực sự là yếu tố gây ám ảnh. Sự cùng đường của nhân vật được nữ diễn viên thể hiện quá nhập tâm, đến mức người ta sợ hãi khi nhìn vào đôi mắt đầy toan tính sau hàng loạt đau thương của cô. Để rồi cuối cùng, người ta nhận ra rằng cô cũng chỉ là nạn nhân của tấn bi kịch này mà thôi.
Mặc dù kết phim còn chưa thực sự thỏa đáng nhưng nhìn chung, The Invisible Man đã khai thác tốt cả về mặt kinh dị lãn mặt tâm lý con người, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hơn nữa, bộ phim còn là tiếng nói của những người phụ nữ bị bạo hành, nêu bật thông điệp nữ quyền đáng chú ý trong thời gian gần đây. Có thể nói, đạo diễn Leigh Whannell đã thực sự mang đến một bước khởi đầu hoàn hảo cho, là đòn bẩy cho những bộ phim kinh dị trong năm 2020 sắp tới.
The Invisible Man hiện đang được chiếu tại các rạp phim trên toàn quốc.
Bài viết: Hà Linh
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!