VTV.vn - Mặc dù túi vải được coi là giải pháp hiệu quả để thay thế những chiếc túi nilon nhưng dường như quá nhiều túi vải cũng đã trở thành một vấn đề lớn.

Khủng hoảng túi vải:

Khi giải pháp cho môi trường trở thành vấn đề


Trong cả thập kỷ qua, chúng ta thường xuyên được nghe về tính ưu việt của những chiếc túi vải, rằng đây là những sản phẩm thân thiện với môi trường, rằng sử dụng túi nilon là vô cùng nguy hiểm. Nhiều quốc gia cũng chuyển sang hạn chế tiêu thụ túi nilon để tránh lãng phí, đồng thời cũng để mọi người quen với khái niệm sử dụng túi vải.

Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, túi vải đã trở thành một phương tiện giúp các nhãn hàng, những siêu thị truyền tải tới người tiêu dùng một thông điệp về sản phẩm thân thiện với môi trường. Hoặc ít nhất, theo The New York Times, thì họ đã cố "chứng minh cho mọi người biết rằng công ty đã có ý thức về tác hại của việc sử dụng túi nilon".

Khủng hoảng túi vải: Khi giải pháp cho môi trường trở thành vấn đề - Ảnh 2.

Có thể thấy, túi vải không hề xấu. Đây còn được coi là giải pháp hiệu quả để thay thế những chiếc túi nilon trước kia. Nhưng vấn đề là, hóa ra chính những chiếc túi vải tưởng chừng như mang lại những thông điệp tích cực về môi trường lại trở thành vấn đề mới.

Theo nghiên cứu của Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch vào năm 2018, một chiếc túi vải cần được sử dụng 20.000 lần để bù đắp cho quá trình sản xuất ra nó. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải sử dụng chiếc túi vải này hàng ngay trong vòng 54 năm để có thể khiến chiếc túi trở nên "thân thiện với môi trường".

Cũng theo nguồn tin từ New York Times, nhiều công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất túi vải đều phải lao động cưỡng bức do sự miệt thị và bóc lột quá mức của các ông chủ. Việc những chiếc túi vải liên tục được bán ra và tiêu thụ rốt cuộc lại trở thành vấn đề.

Khủng hoảng túi vải: Khi giải pháp cho môi trường trở thành vấn đề - Ảnh 3.

(Ảnh: Lisa Angel)

Mặc dù giới nghiên cứu đã cố gắng tìm cách xử lí những sợi vải này theo cách ít ảnh hưởng đến môi trường nhất nhưng cho đến nay, vấn đề vẫn không hề đơn giản như mọi người từng nghĩ.

Cũng theo thống kê, chỉ 15% trong tổng số 30 triệu tấn bông sản xuất ra hàng năm thực sự được chuyển tới các kho hàng dệt may.

Ngay cả khi loại vải này được đưa tới nhà máy xử lý, hầu hết thuốc nhuộm sử dụng để in logo trên túi đều có nguồn gốc từ PVC và không thể tái chế. Đây cũng là chất cực kì khó phân hủy.

"Chúng ta không thể biến loại vải này thành phân trộn được. Chẳng nhà máy nào trong thành phố chấp nhận hàng dệt may có trong sản phẩm phân bón cả", giám độc Viện New Standard khẳng định.

Nhiều người có thể nghĩ tới giải pháp biến vải cũ thành vải mới, tuy nhiên, việc này cũng tiêu tốn nhiều năng lượng gần như bằng việc chế tạo vải mới ngay từ đầu. Biến đồ cũ thành đồ mới cũng sẽ cần tới nhà máy, trong khi đó, nhà máy lại là nơi thải ra lượng khí carbon lớn nhất trong ngành công nghiệp dệt may hiện nay.

Khủng hoảng túi vải: Khi giải pháp cho môi trường trở thành vấn đề - Ảnh 4.

Chưa kể đến việc trên thị trường ngày nay, những chiếc túi vải có mẫu mã vô cùng phong phú. Chính sự phong phú và đa dạng này khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục mua nhiều hơn 1 chiếc túi. Dần dần, từ mục đích tái sử dụng nhiều lần ban đầu, những chiếc túi vải khi đến tay người tiêu dùng bỗng trở thành túi dùng một - vài lần.

Túi vải bỗng trở thành một phụ kiện thời trang, nhu cầu sử dụng túi vải của mọi người lại tăng cao, tiếp tục gây nên những vấn đề nhức nhối trong môi trường. Vậy là cũng như những chiếc túi nilon, túi vải cũng bằng một cách "thần kỳ" nào đó tự nhân lên. Đáng buồn thay, đây chính là vòng lặp luẩn quẩn của việc tìm giải pháp bảo vệ môi trường.

Trong một buổi phỏng vấn vào năm 2009, nhà thiết kế Dimitri Siegel của hãng thời trang Urban Outfitters cho biết anh tìm thấy 23 chiếc túi vải trong nhà của mình, từ nhiều thương hiệu, nhãn hàng, cửa tiệm khác nhau. Không chỉ riêng Dimitri mà còn rất nhiều người tiêu dùng thừa nhận họ sở hữu quá nhiều túi vải trong nhà. Điều này là do những chiếc túi đã trở nên quá phổ biến. Thậm chí, chúng nhiều đến mức bạn hoàn toàn có thể bắt gặp chúng chất đống trên lề đường, hoặc là ở trong một thùng rác công cộng.

Từ mục đích tái sử dụng nhiều lần ban đầu, những chiếc túi vải khi đến tay người tiêu dùng bỗng trở thành túi dùng một - vài lần.

Nói về tình trạng bão hòa đáng báo động của túi vải, Siegel cho rằng thủ phạm chính là những nhà thiết kế. Bởi có kích thước lớn, dễ dàng in ấn, những chiếc túi này trở thành công cụ phù hợp để quảng bá thương hiệu. Người tiêu dùng dễ dàng nhận về những chiếc túi vải tại triển lãm, hiệu sách, tiệm tạp hóa, các cửa hàng thời trang cao cấp...

Đương nhiên, chúng ta không thể phủ nhận mục đích của túi vải ban đầu là rất tốt. Đặc biệt, việc quảng bá thông điệp môi trường qua những chiếc túi này cũng đạt hiệu quả cao. Nhưng theo thời gian, chúng dần trở thành một cách để các thương hiệu xây dựng và củng cố tên tuổi.

Khủng hoảng túi vải: Khi giải pháp cho môi trường trở thành vấn đề - Ảnh 6.

Theo thống kê của New York Times, kể từ năm 2014 cho đến nay, công ty truyền thông Condé Nast đã tặng 2 triệu chiếc túi cho những người đăng ký theo dõi tờ báo của mình. Hãng chăm sóc da nổi tiếng Kiehls thì đưa ra mức giá cho 1 chiếc túi vải chỉ là 1 USD. Lí do cho sự phân phát túi vải này chính là càng nhiều người sở hữu những chiếc túi, các thương hiệu càng thành công trong việc quảng bá tên tuổi của mình.

"Đây chính là quảng cáo miễn phí. Bất kỳ thương hiệu nào phủ nhận điều này sẽ là dối trá", Shaun Russel - nhà sáng lập Skandinavisk - một thương hiệu chăm sóc da của Thụy Điển - cũng đồng tình với ý kiến của nhà thiết kế Siegel.

Trong khi đó, Laura Balmond - giám đốc dự án của chiến dịch Make Fashion Circular - đã gọi tình thế tiến thoái lưỡng nan của những chiếc túi vải này là "ví dụ điển hình về hậu quả không mong muốn khi cố gắng đưa ra những lựa chọn tích cực nhưng không hiểu toàn cảnh vấn đề".

Nói về tính thiết yếu của những chiếc túi vải trong ngành công nghiệp thời trang, mục đích ban đầu của chúng chỉ là để bảo vệ giày, túi xách... Thế nhưng, thực tế là bản thân những sản phẩm thời trang này đã được đi kèm trong những gói giấy chống bụi. Thậm chí, những vật dụng thường ngày như keo xịt tóc, sữa rửa mặt... - những đồ vật không cần thiết phải chống bụi - cũng được đóng gói trong những chiếc túi vải nhỏ. Và chúng ta lại đựng những sản phẩm ấy trong những chiếc túi cotton, như vậy là "túi bọc túi".

Khủng hoảng túi vải: Khi giải pháp cho môi trường trở thành vấn đề - Ảnh 7.

Năm 2008, Cơ quan Môi trường Anh (UKEA) đã công bố một nghiên cứu về mức sử dụng các loại túi khác nhau như: túi giấy, túi nilon, túi vải.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng những người tiêu dùng đã tìm cách giảm thiểu sự ô nhiễm do túi nilon mang lại bằng cách sử dụng chúng lại một lần nữa để làm lớp lót thùng rác. Như vậy, túi nilon cũng hoàn toàn có thể tái sử dụng và trở nên hữu ích.

Trong khi đó, những chiếc túi vải lại có thể khiến việc nóng lên toàn cầu trở nên nghiêm trọng nhất. Điều này là do chúng đòi hỏi nhiều nguồn lực hơn để sản xuất cũng như phân phối.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là vải cotton thì tồi tệ hơn nhựa và nilon, thậm chí cũng khó để so sánh về tác hại của chúng. Trong khi vải cotton có thể sử dụng thuốc trừ sâu (nếu không được làm theo phương pháp hữu cơ) và khiến các con sông cạn đi vì sự tiêu thụ nước, thì túi nilon lại không thể phân hủy sinh học và làm tắc nghẽn các đại dương.

Mặc dù khủng hoảng túi vải là thật, nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ lạc quan như thế này: Miễn là chủ nhân của những chiếc túi không vứt bỏ chúng, tác động tiêu cực của chúng tới môi trường vẫn được giảm thiểu. Với những chiếc túi vải hiện tại, cách tốt nhất có lẽ là sử dụng MỘT CHIẾC TÚI mọi lúc hoặc hoàn toàn không sử dụng chúng.

Cuối cùng, giải pháp đơn giản nhất có lẽ lại là giải pháp hiển nhiên nhất: "Không phải sản phẩm nào cũng cần đến một chiếc túi".


Bài viết: Hà Linh (Theo The New York Times, The Atlantic)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước