VTV.vn - Vụ án hàng chục hồ sơ bệnh án tâm thần giả của các đối tượng tội phạm bị phanh phui đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về y đức của các thầy thuốc ở lĩnh vực này.


gày 9/8, tại Hà Nội, Công an TP Hà Nội (CATP Hà Nội) đã tổ chức họp báo thông tin một số vụ án trọng điểm được triệt phá thời gian qua. Theo đó, qua công tác đấu tranh, Công an TP Hà Nội phát hiện tình trạng đối tượng hình sự sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đã cung cấp cho cơ quan điều tra bệnh án tâm thần do một số bệnh viện tâm thần trên địa bàn thành phố cấp, nhằm trốn tránh việc xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Cụ thể, hàng chục đối tượng hình sự đã làm hồ sơ bệnh án tâm thần giả nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan công an, trong đó hơn 50% là đối tượng hình sự nguy hiểm. 85 triệu đồng để đối tượng có hồ sơ bệnh án với kết luận bị "tâm thần phân liệt thể hoang tưởng", do bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cung cấp. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội (CSĐT CATP Hà Nội) tiếp tục yêu cầu bệnh Tâm thần Trung ương 1 kiểm tra 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện. Bước đầu xác định 60 bệnh án có hồ sơ nội trú, những trường hợp còn lại không có hồ sơ bệnh án tại bệnh viện.

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 2.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, có không ít đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thoát tội với lý do "bỗng dưng" mắc bệnh tâm thần. Ngoài việc giả tâm thần, làm giấy tờ giả, có đối tượng còn lấy hồ sơ bệnh án của người bị tâm thần thật rồi thay tên, đổi họ làm thành bộ hồ sơ giả.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, lực lượng công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can để tạm giam với hai đối tượng là cán bộ và nhân viên bệnh viện tâm thần để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội.

Ngay sau đó, vào 10/8, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ; một số bệnh viện tâm thần trên địa bàn Hà Nội. Tại cuộc họp, đại diện bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, ngày 12/6/2018, bệnh viện nhận thông báo số 53 và 54 của Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội về việc khởi tố bắt bị can, tạm giam phục vụ điều tra với hai viên chức của bệnh viện này là: BSCK 2 Thân Thanh Phong - Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi; Ông Nguyễn Tuấn Sơn – kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng. Trong đó, ông Sơn có trách nhiệm phân công công việc hàng ngày tại khoa Dinh dưỡng.

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 3.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, sau khi nhận được thông báo một ngày, bệnh viện đã có quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Sơn và ông Phong. Qua hai tháng, cơ quan CATP Hà Nội đang tiếp tục điều tra. Đến thời điểm tổ chức họp báo, bệnh viện vẫn chưa nhận được thông báo của CATP Hà Nội về kết quả điều tra đối với hai viên chức trên.

Ngoài ra, vào ngày 26/7, bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 nhận được công văn của Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại Bệnh viện. Sau khi nhận được công văn, bệnh viện đã kiểm tra kỹ số lượng hồ sơ bệnh án yêu cầu, và cung cấp thông tin cho CATP Hà Nội. Bệnh viện cũng đang phối hợp với CATP Hà Nội rà soát lại 94 hồ sơ bệnh án để xem có bệnh án giả mạo hay không.

Hiện tại, vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã được đưa ra sau sự việc. Phải chăng việc làm giả một bệnh án tâm thần đang quá dễ dàng? Những kẻ vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội phạm sẽ nhận hình phạt thích đáng nào?...

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 4.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết hiện tượng làm giả hồ sơ để trốn tránh trách nhiệm hình sự không phải hiếm. Trên thực tế, nó diễn ra trong nhiều năm qua và ở nhiều nơi.

Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, hiện có 3 nhóm đối tượng đang lợi dụng tính nhân văn của pháp luật khi thực hiện các hành vi giả bệnh để trốn tội. Loại đầu tiên là nhóm đối tượng giả bệnh án tâm thần với mục tiêu thoát truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó còn có nhóm đối tượng "chạy" tuổi và cuối cùng là nhóm đối tượng giả bị mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, lao, HIV...

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 6.

"Có hồ sơ bệnh tâm thần tức là chứng minh mất năng lực hành vi có thể coi như lá bùa hộ mệnh cho các đối tượng. Mối nguy hại hơn là đó sẽ trở thành điều kiện thuận lợi để các đối tượng tiếp tục hành vi phạm tội, kích thích tội phạm phát triển trong xã hội, gây mất niềm tin của nhân dân vào pháp luật, tạo ra sự mất bình đẳng giữa các công dân trong việc thực thi pháp luật", luật sư Nguyễn Danh Huế nói.

Trên thực tế, hiện nay, cả nước có 7 tổ chức giám định pháp y tâm thần thực hiện trưng cầu giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, bao gồm Viện Pháp y Tâm thần Trung ương và Viện Pháp y Tâm thần Biên Hòa và 5 trung tâm pháp y tâm thần khu vực. Các tổ chức giám định pháp y tâm thần là nơi vừa thực hiện giám định theo trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, vừa là nơi điều trị cho các đối tượng được giám định có bệnh lý tâm thần để chờ thi hành án. Dù đã có quy định chặt chẽ nhưng cũng không thể tránh khỏi có kẽ hở bị các đối tượng lợi dụng.

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Mạnh Phát - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, đối với hồ sơ bệnh án, sau khi xác minh không có lưu trữ vào viện, ra viện, hồ sơ bệnh án gốc thì khẳng định trường hợp đó là giả.  Còn trường hợp có lưu trữ thì có thể công tác giám định gặp trường hợp giả bệnh tâm thần.

TS. Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 còn khẳng định nhiều trường hợp đã "diễn" để qua mặt cán bộ y tế. 

"Họ diễn cùng gia đình, anh chị em cùng diễn với nhau nên quả thật rất khó để giám định", TS. Nguyễn Hữu Chiến nói.

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 8.

Là người đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, ông La Đức Cương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Tâm thần học Việt Nam - cho hay ngoài quy định của Bộ Y tế, bệnh viện cũng có những quy định riêng, ví dụ bệnh nhân phải có mặt để quét ảnh. Bên cạnh đó, bệnh viện còn có quy định về hội chẩn. Với các bệnh nhân bị tâm thần phân liệt phải có hội chẩn khoa gồm lãnh đạo và bác sĩ trong khoa, bác sĩ điều trị.... Khi ra viện phải có người nhà thanh toán, nhân viên các khoa phải trình ký hồ sơ...

"Bộ Y tế, bệnh viện đều có quy định về bệnh án để chẩn đoán sớm, đúng và điều trị kịp thời, đúng người đúng bệnh" – ông La Đức Cương phân tích - "Nguyên nhân gây ra sai phạm cuối cùng cũng là do con người lách luật, thậm chí có tổ nhóm làm sai quy định, dù họ đã được giáo dục, hay các cơ sở y tế ra văn bản nhắc nhở....".

"Chúng ta có quy định chặt chẽ là vì đã tiên lượng khả năng xảy ra những tình huống như thế này. Tuy nhiên, các vụ việc vẫn xảy ra, đó là điều rất đáng tiếc", ông La Đức Cương chia sẻ.

Cùng quan điểm với ông La Đức Cương, luật sư Nguyễn Danh Huế khẳng định việc sai phạm trong quy trình làm bệnh án tâm thần không thể được thực hiện dễ dàng bởi 1 cá nhân. Thực tế cho thấy, về những bác sĩ nhân viên trong bệnh viện có liên quan tới vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra đang đề nghị bệnh viện làm rõ nhân thân lý lịch những người có chữ kí trong các bệnh án, lên tới hơn 200 người.

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 10.

"Theo tôi, những quy định của pháp luật về vấn đề này hiện rất đầy đủ, các chế tài xử phạt đối với hành vi làm giả bệnh án đều đối mặt với án phạt nặng. Tuy nhiên, công tác pháp luật có những khoảng trống như các ngành đều có thanh tra hay thậm chí có thanh tra liên ngành... nhưng hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao. Mặc dù làm được những bộ hồ sơ giả này thì không dễ dàng, bởi nó cần cả một ê- kíp làm, không phải một vài cá nhân có thể làm được".

"Ngoài ra, ý thức của cán bộ thực thi hay còn gọi là đạo đức công vụ đang bị xem nhẹ. Nhiều cán bộ cấp cao có ý thức đạo đức thấp kém. Nó cũng phản ánh một thực trạng đau xót là đạo đức xã hội đang bị xuống cấp", luật sư Nguyễn Danh Huế nói.

"Hành vi tiếp tay cho tội phạm đều được quy định đầy đủ trong pháp luật, thậm chí có thể bị tuyên án tới 15 -20 năm tù", luật sư Nguyễn Danh Huế nhấn mạnh.

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 11.

Tại buổi họp báo do Bộ Y tế tổ chức,  GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay đang có những đối tượng phạm tội dùng mọi thủ đoạn như mua, làm giả giấy xác nhận bị bệnh, giả bệnh tâm thần để đối phó với cơ quan pháp luật. Do vậy, Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hàng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, cần tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.

Giả mạo hồ sơ bệnh án tâm thần: Kim bài của tội phạm và hồi chuông cảnh báo về y đức - Ảnh 12.

"Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cục, vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.

Trong khi đó, tại buổi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, lãnh đạo Bộ Công an đã đưa ra quan điểm liên quan tới các vụ việc làm giả hồ sơ của đối tượng tâm thần để trốn tránh trách nhiệm. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, để xảy ra tình trạng làm giả bệnh án tâm thần, những đối tượng trong cơ quan y tế tiếp tay làm giả cần phải bị xử lý nghiêm. Đồng thời, các đối tượng tìm cách gian lận, người không bị tâm thần nhưng làm giả để trốn tránh pháp luật chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Cơ quan công an sẽ phối hợp các cơ quan y tế để không tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.

Với người dân, giám định bệnh án tâm thần có thể trở thành cơ sở để được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Với đối tượng tội phạm, bệnh án tâm thần chính là "tấm chắn" nhằm tránh thoát sự trừng phạt của pháp luật. Đây là vấn đề cần được siết chặt quản lý trong thời gian tới, tránh lặp lại sự việc tương tự.


Thanh Huyền , Nguyễn Ngân
Duy Nguyễn
20/8/2018
X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước