VTV.vn - Với tình hình COVID-19 hiện nay, con người dần phải tìm cách sống chung với dịch bệnh, và ngành công nghiệp giải trí toàn cầu cũng không ngoại lệ khi tìm cách thích nghi.

Kể từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng không nhỏ. Không chỉ tổn thất về con người, đại dịch cũng khiến nền kinh tế tổn hại vô cùng nghiêm trọng. Trong đó, ngành công nghiệp giải trí thế giới cũng không ngoại lệ khi phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất từ trước tới nay.


Thị trường điện ảnh chưa bao giờ "thiếu phim" đến thế

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 2.

Ngay sau khi đại dịch bùng phát tại nhiều nơi trên toàn thế giới, hàng loạt phim điện ảnh đã công bố rời lịch chiếu liên tục từ tháng này qua tháng khác. Bắt đầu với một trong những bom tấn được mong chờ nhất năm nay Fast & Furious 9. Theo như kế hoạch ban đầu, bộ phim sẽ bắt đầu khởi chiếu từ ngày 22/5. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, bộ phim dự kiến sẽ đợi thêm 1 năm nữa, tức ngày 2/4/2021 để chính thức ra mắt.

Sau Fast & Furious 9 là hàng loạt phim điện ảnh cũng hoãn lịch chiếu. Nhiều phim thậm chí đã tung trailer đầy hứa hẹn trước đó nhưng cũng phải hủy sau khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong đó có A Quiet Place 2The Lovebirds.

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 3.

Siêu phẩm James Bond mới nhất - No Time to Die - cũng được Universal năm lần bảy lượt thông báo hoãn ngày ra mắt. Mặc dù đây là lí do bất khả kháng nhưng những người hâm mộ vẫn vô cùng thất vọng, đặc biệt là khi thị trường điện ảnh vô cùng ảm đạm trong năm vừa qua. Họ mong chờ một cực phẩm quay trở lại rạp chiếu để cứu vớt lấy nền điện ảnh này.

Tuy nhiên, dường như cùng với việc dịch COVID-19 vẫn chưa hết, các nhà làm phim đều lo lắng tới doanh thu phòng vé nếu phim ra rạp vào năm nay, đó là lí do No Time To Die cũng hoãn lại đến tháng 4/2021.

Trong khi đó, hãng phim Marvel cũng khẳng định sẽ không có bộ phim siêu anh hùng nào được ra mắt trong năm nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 2020 trở thành năm thứ hai Marvel không công chiếu bất kì bộ phim nào kể từ khi MCU ra mắt. Lần đầu tiên Marvel không cho ra mắt bộ phim nào chính là vào năm 2009, 1 năm sau khi MCU vô cùng thành công với Iron ManThe Incredible Hulk. Thế nhưng, ở thời điểm đó, khán giả không cảm thấy lạ lẫm với điều này do vẫn chưa quá quen thuộc với Vũ trụ Marvel.

Trước đó, Marvel đã có một năm 2019 đại thành công về mặt doanh thu khi các bom tấn liên tục thu về hơn 1 tỷ USD. Đặc biệt, siêu phẩm phòng vé Avengers: Endgame cũng phá kỉ lục, trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại với gần 2,8 tỷ USD doanh thu.

Chính vì vậy, nếu theo đúng kế hoạch, hãng phim sẽ tiếp tục theo đà chiến thắng và có thêm một năm 2020 vinh quang nữa với nhiều siêu phẩm. Đáng chú ý, những bộ phim Marvel trong năm nay được dự kiến sẽ bùng nổ khi mở ra Giai đoạn 4 của MCU.

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 4.

Marvel từng dự kiến sự có một năm 2021 hoành tráng và bùng nổ với hàng loạt tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng mới, mở ra Giai đoạn thứ 4 của MCU. Ảnh: Slash Film)

Chính bởi có quá ít phim dám liều mình ra mắt trong thời gian này nên các rạp phim toàn cầu cũng đứng trước sự suy thoái nặng nề.

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 5.

Theo ước tính từ Variety, các rạp chiếu phim trên toàn cầu có thể sẽ phải chịu lỗ từ 20 - 31 tỷ USD chỉ trong năm 2020. Hàng loạt các rạp chiếu phim tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các bộ phim không thể ra mắt, tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp điện ảnh. Mặc dù một số rạp ở nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa trở lại nhưng cũng không thể bù đắp những tổn thất nặng nề do COVID-19 mang đến.

Tuy nhiên, giữa tình hình đại dịch, nhiều hãng phim đã nghĩ tới một giải pháp khác để có thể vẫn tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm điện ảnh trong năm 2020, đó chính là dịch vụ phát sóng trực tuyến. Hàng loạt ứng dụng xem phim như Netflix, Disney+... "ăn nên làm ra" hơn hẳn so với các năm trước sau khi dịch bệnh bùng phát khiến mọi người đều phải cách ly tại nhà. Khi không còn thói quen tới rạp thưởng thức phim màn ảnh rộng, khán giả đã tạo một thói quen mới, đó chính là "rạp chiếu phim" tại nhà.

Điển hình nhất phải kể đến Hoa Mộc Lan (Mulan) phiên bản điện ảnh. Từ trước khi ra mắt, bộ phim đã được kì vọng sẽ trở thành bom tấn phòng vé trong năm 2020 khi được Disney đầu tư vô cùng kĩ lưỡng, đặc biệt tập trung vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, Disney đã đưa ra phán quyết cuối cùng, đó chính là trình chiếu trực tuyến trên kênh Disney+ với giá 29,99 USD. Đây có thể coi là giải pháp khá thông minh giữa thời đại dịch bệnh như hiện nay.

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 6.

Disney nhanh chóng rút "Hoa Mộc Lan" ra khỏi thị trường chiếu rạp, triển khai các kế hoạch chiếu phim trực tuyến giữa đại dịch COVID-19.


Hàng loạt sự kiện âm nhạc bị hủy bỏ

Cũng giống như thị trường điện ảnh, ngành công nghiệp âm nhạc thế giới cũng lao đao bởi đại dịch COVID-19. Tất nhiên, các nghệ sĩ vẫn cho ra mắt album và bài hát của mình nhưng những tour diễn lại đều bị hủy bỏ. Từ Madonna, Mariah Carey, Taylor Swift cho đến nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc BTS..., tất cả đều buộc phải thông báo sẽ tạm thời hủy bỏ các biểu biểu diễn trực tiếp nhằm đảm bảo an toàn trước tình hình đại dịch.

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 8.

(Ảnh: BBC)

Thông thường, nghệ sĩ và ê-kíp của mình sẽ bận rộn chuẩn bị cho những tour diễn này trong vòng vài tháng. Chính vì vậy, việc buộc phải hủy đột ngột sẽ ảnh hưởng tới không chỉ riêng nghệ sĩ mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ nhân viên làm việc cho tour diễn. Ngoài ra, việc không thể gặp mặt người hâm mộ trực tiếp trong các show diễn cùng là điều khá lạ lẫm với các nghệ sĩ.

Còn nhớ khi tour diễn Map of the Soul tại Hàn Quốc bị hủy bỏ, trưởng nhóm nhạc BTS - RM - đã bật khóc. Anh bày tỏ sự thất vọng của mình khi mọi công sức của ê-kíp trong thời gian dài vừa qua lại phải gác lại và không thể diễn ra theo đúng kế hoạch. Những sự chuẩn bị này dường như đều trở nên vô nghĩa khi dịch bệnh bùng phát. Những người hâm mộ cũng cảm thấy rất tiếc nuối khi không có cơ hội gặp gỡ các thần tượng của mình.

Tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu của khán giả, một hình thức concert khác lại được ra đời, đó chính là các buổi biểu diễn trực tuyến. Và có thể nói, các công ty giải trí Hàn Quốc đã dẫn đầu xu thế khi hàng loạt nhóm nhạc K-Pop tổ chức các buổi concert trực tuyến có thu phí nhằm thay thế concert trực tiếp giữa thời đại dịch bệnh.

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 9.

K-Pop dẫn đầu trong xu hướng concert trực tuyến giữa thời đại dịch bệnh bùng phát.

Bắt đầu với SuperM và concert mang tên Beyond the Future vào tháng 4/2020. Ý tưởng độc đáo này đã nhanh chóng thu hút đông đảo sự chú ý của người hâm mộ với hơn 75.000 người từ 109 quốc gia trên thế giới đăng ký theo dõi. Với mức giá 26 USD, tổng số tiền SuperM đat được nhờ conert này lên tới hơn 2,4 triệu USD. Đáng chú ý, đêm nhạc trực tiếp vào tháng 2 của nhóm trước lại chỉ thu về hơn 1 triệu USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc show âm nhạc trực tuyến không những không phải một bất lợi mà còn mang về doanh thu cao hơn hẳn so với loại hình biểu diễn thông thường.

Ngay sau khi nhận thấy tiềm năng phát triển của các sự kiện trực tuyến, SM Entertainment tiếp tục đi đầu trong việc tổ chức hàng loạt concert trực tuyến cho các nghệ sĩ trực thuộc công ty của mình, bao gồm Super Junior, TVXQ, NCT...`

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 10.

BTS cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế khi tổ chức biểu diễn Bang Bang Con: The Live trực tuyến, thu hút 756.600 khán giả từ 107 quốc gia trên toàn thế giới.

Đây có thể nói là một lượng khán giả khổng lồ, gấp tới 15 lần những đêm nhạc trực tiếp ở các sân vận động thông thường (50.000 khán giả). Điều này cũng mang về doanh thu khủng cho các ông lớn ngành giải trí Hàn Quốc.

Lý giải cho điều này, nhiều ý kiến cho rằng đây là nhờ sự kết nối toàn cầu thông qua internet. Khi tổ chức tại một địa điểm nhất định, thông thường sẽ chỉ có những khán giả thuộc khu vực này có thể tới xem, dẫn đến sự giới hạn phạm vi doanh thu.

Tuy nhiên, với concert trực tuyến, tất cả người hâm mộ trên toàn thế giới đều có thể tham gia. Đây chính là lợi ích mà các concert này có thể mang lại trong thời kì dịch bệnh như hiện nay.

Ngoài ra, sự chênh lệch rõ rệt giữa giá vé trực tuyến và trực tiếp cũng tạo nên thành công của loại hình concert vô cùng mới mẻ này.

Thông thống kê từ SCPM, giá vé một buổi concert trực tuyến sẽ dao động trong khoảng 25-40 USD, trong khi đó, vé xem trực tiếp lại quá cao, dao động trong khoảng 70-360 USD. Rõ ràng không phải ai cũng có điều kiện để có thể tham gia các show âm nhạc với mức giá cao như vậy. Tuy nhiên, với concert trực tuyến, khán giả hoàn toàn có khả năng chi trả, thậm chí còn có thể xem lại màn trình diễn bất cứ khi nào mong muốn.


Khán giả đã dần quen thuộc với những "sự kiện online"

Sau sự thành công của hàng loạt concert trực tuyến, các sự kiện cũng dần bắt kịp xu thế, dẫn đến một chuỗi các "sự kiện online" được ra đời.

Nhiều nghệ sĩ trên toàn thế giới đã nắm bắt lấy cơ hội này để thử hình thức giao lưu trực tuyến với những người hâm mộ, điển hình như BTS với BTS Online Concert Weekend, hay các buổi gặp gỡ với fan của BLACKPINK, TWICE và nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc khác.

Trong khi đó, Miley Cyrus cũng tổ chức một chương trình trực tuyến mang tên Bright Minded với nhiều khách mời đình đám như Elton John, Selena Gomez, Demi Lovato... nhằm chia sẻ về trải nghiệm của các ngôi sao trong tình hình dịch bệnh. Chương trình cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ của khán giả khi mang đến những thông điệp tích cực nhằm giúp đỡ mọi người cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

2020 - COVID-19 và một năm rất khác của ngành giải trí thế giới - Ảnh 12.

(Ảnh: Bizbash)

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ được coi là các sự kiện quy mô nhỏ, hoạt động giữa nghệ sĩ và người hâm mộ. Trong khi đó, nhiều lễ trao giải và các sự kiện giải trí tầm cỡ buộc phải bị hủy bỏ hoặc hoãn lại vì COVID-19, bao gồm giải thưởng César, lễ trao giải Mâm xôi vàng, liên hoan phim Cannes... Đây là những sự kiện bị hoãn khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát khiến toàn thể thé giới vô cùng hoang mang. Lúc này, chưa ai có thể chuẩn bị kịp thời để ứng phó với đại dịch, đó là lí việc hủy bỏ hoặc hoãn các sự kiện là việc làm cần thiết.

Sau một thời gian làm quen với tình hình dịch bệnh hiện nay, những lễ trao giải và nhiều sự kiện khác dường như đã rút ra kinh nghiệm và bắt đầu khởi động với hình thức trực tuyến. Gần đây nhất có thể kể đến như lễ trao giải MAMA 2020 (Mnet Asian Music Awards) diễn ra tại Hàn Quốc. Thay vì tổ chức trực tiếp như mọi năm, MAMA lựa chọn phát sóng trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho cả nghệ sĩ lẫn khán giả trước thời đại COVID-19 bùng phát.

Tất nhiên, những sự kiện trực tuyến này sẽ không thể thay thế hoàn toàn các các hoạt động trực tiếp trong tương lai, đặc biệt là khi con người luôn có nhu cầu về mặt tiếp xúc lẫn nhau. Thế nhưng, có thể nói tiềm năng của những hoạt động online này là vô cùng lớn. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, các sự kiện trực tuyến vẫn có khả năng trở thành xu hướng mới trong thời gian sắp tới.


Bài viết: Hà Linh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước