Giai điệu tự hào tháng 9: Sống động vẻ đẹp con người Nga

T.Linh (ảnh: BTC)-Thứ bảy, ngày 26/09/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn - Chương trình Giai điệu tự hào tháng 9 đã khắc họa chân thực hình ảnh người lính, người phụ nữ, thanh niên Nga và những tâm tư, tình cảm của họ thời chiến tranh.

Trong suốt 70 năm qua, hai dân tộc Việt Nam - Nga vẫn là những người bạn ân tình. Trong đó, âm nhạc đã trở thành cầu nối giữa nền văn hóa hai nước. Vì thế, Giai điệu tự hào tháng 9 đưa nhiều khán giả sống lại thời thanh xuân gắn liền với ký ức về nền văn hóa và âm nhạc Liên Xô cũ. Bảy ca khúc nhạc Nga được lựa chọn trong chương trình lần này đều là những ca khúc có sức sống mãnh liệt và quen thuộc với các thế hệ đi trước.

Đặc biệt, ca khúc được chọn làm chủ đề của chương trình - Thời thanh niên sôi nổi - khiến nhiều khán giả ở trường quay xúc động. Đây là ca khúc do nữ nhạc sĩ Nga Aleksandra Pakhmutova sáng tác dựa theo lời thơ của L.Oshanin. Tác phẩm nổi tiếng vì từng là khúc quân hành thôi thúc nhiều người lính, người dân Nga cũng như Việt Nam vượt qua khó khăn trong chiến tranh, động viên tinh thần quyết tâm lao động, cống hiến và xây dựng đất nước trong thời bình.

Hình ảnh những người lính Nga được khắc họa chân thực.

Bốn chàng trai nhóm Dòng Thời Gian cùng dàn hợp xướng đã thể hiện ca khúc một cách gần gũi, trẻ trung. Các thành viên của nhóm nhạc và dàn nhạc đều hóa thân thành những người lính cất lên tiếng hát về tuổi trẻ. Màn diễn càng trở nên ấn tượng khi trời đông Mát-xcơ-va được tái hiện đầy sống động với hình ảnh những bông tuyết rơi. Nhiều khán giả cũng vỗ tay hát vang ca khúc trong niềm tự hào. Dịch giả - nhà thơ Thụy Anh cho rằng, ca khúc không chỉ là bài ca của riêng những người lính trẻ trong chiến tranh mà còn của những thanh niên ngày nay muốn cống hiến xây dựng Tổ quốc và của các thế hệ mai sau.

Cảnh tuyết rơi được tái hiện trên sân khấu.

Bên cạnh hành khúc sôi nổi, những khoảng lặng của người lính Nga trong chiến tranh cũng được khắc họa rõ nét qua ca khúc Chim họa mi đừng hótChiều hải cảng. Đó là những phút mềm yếu khó tránh khỏi của con người nhưng không bi lụy mà vô cùng trong sáng.

Trong đó, Chim họa mi đừng hót được đánh giá là một trong ba ca khúc hay nhất viết về chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Lời ca nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa, giống như lời trách móc nhẹ nhàng với những chú chim khi người lính đang nằm nghỉ ngơi và chìm vào giấc ngủ.

NSND Trung Kiên thể hiện ca khúc Chim họa mi đừng hót.

Nhà báo Hồng Thanh Quang cho rằng: “Tôi nghĩ, lời ca chính là lời cầu xin họa mi đừng hót để những người lính được ngủ yên, để sáng sớm họ lại thức giấc và tiếp tục tham gia cuộc chiến. Họ phải kìm nén, hy sinh cả sự lãng mạn vì mục tiêu cao cả hơn”. Nhà báo Tạ Bích Loan đồng tình: “Tác giả muốn dành sự dịu dàng, yêu thương cho những người lính để họ ngủ yên lành, chìm vào những giấc mơ đẹp - nơi xuất hiện ngôi nhà, người thân trong nỗi nhớ của họ”.

Còn Chiều hải cảng lại là một trong những ca khúc trữ tình của Nga được người Việt Nam yêu thích nhất trong những năm chiến tranh Vệ quốc. Với trải nghiệm sâu sắc về đất nước, con người Xô Viết, NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ và NSND Trần Hiếu đã hóa thân thành ba người lính thủy và truyền tải thành công lời ca về tuổi thanh xuân, về nỗi niềm mênh mang của con người bên sóng nước.

NSND Quang Thọ, NSND Trung Kiên và NSND Trần Hiếu vào vai lính thủy.

Sân khấu biến thành hải cảng lặng lẽ trong một buổi chiều tà. Đó là khoảnh khắc bình yên đẹp đẽ nhưng chất chứa suy tư của người lính thủy Nga trong thời kỳ chiến tranh.

Hải cảng buồn nhưng bình yên được tái hiện trong tiết mục.

Không chỉ tái hiện hình ảnh người lính, chương trình còn khắc họa cả vẻ đẹp cũng như sự hy sinh âm thầm của những người phụ nữ Nga. Hình ảnh người vợ trông ngóng chồng khi đi lính được thể hiện sinh động trong tiết mục Đôi bờ với chất giọng trong trẻo và cao vút của Bảo Yến – Quán quân Sao mai 2015.

Bảo Yến da diết với ca khúc Đôi bờ.

Nhà báo Hồ Bất Khuất đánh giá: “Ca khúc tình cảm nhưng vẫn mạnh mẽ. Một ca sĩ trẻ mà thể hiện được ca khúc Nga như vậy, tôi thấy rất hay”. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng bày tỏ: “Mặc dù ca khúc từng được dùng mang tính cổ động, nhưng đây lại một sáng tác âm nhạc hay về người phụ nữ Nga”.

Nỗi nhớ, nỗi trông mong ấy còn được thể hiện qua ca khúc Giờ này anh về đâu. Màn trình diễn của NSND Quang Thọ và ca sĩ Quang Tú đưa người xem đến với hình ảnh nông trường Nga cùng những đụn rơm vàng. Tiết mục càng tái hiện câu chuyện chân thực hơn khi có sự góp mặt của những chàng trai, cô gái người Nga.

NSND Quang Thọ song ca cùng ca sĩ Quang Tú.

Những thanh niên người Nga cũng góp mặt trong tiết mục.

Vẻ đẹp của người phụ nữ Nga càng được tô đậm nét hơn qua tiết mục Cây thùy dương, do dàn hợp xướng thể hiện.

Tiết mục khiến nhà báo Hồng Thanh Quang cảm động: “Ca khúc mang đậm chất nữ tính Nga. Tôi thấy, đây là ca khúc được dàn dựng thành công nhất trong chương trình lần này, gợi tôi nhớ đến hình ảnh những người phụ nữ mảnh mai, đơn côi, phải chờ đợi những người đàn ông của mình. Qua đó, chúng ta thấy được sự hy sinh lớn lao của những người phụ nữ”. Dịch giả - nhà thơ Thụy Anh thì cho rằng, lời Nga và lời Việt như hòa làm một, khiến người nghe dễ dàng đồng cảm với hình ảnh tương tự của người phụ nữ Việt Nam.

Tiết mục Cây thùy dương với phần dàn dựng đẹp mắt.

Ngoài ra, tình yêu sâu kín của những con người Nga đã được thể hiện qua ca khúc Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va. Tiết mục trở nên lãng mạn với bối cảnh con đường đầy gió cùng lá vàng rơi phủ kín một góc đường. Ca khúc từng được coi là thánh ca của những người Nga yêu nhau, được cất lên bởi giọng ca của Phúc Tiệp - Phương Uyên.

Tiết mục Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va có bối cảnh lãng mạn.

Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va cũng là tiết mục đã khép lại chương trình Giai điệu tự hào tháng 9 với nhiều cảm xúc lắng đọng trong lòng khán giả.

Giai điệu tự hào tháng 10 dự kiến sẽ được phát sóng vào 20h thứ 6 (30/9) trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý đón xem!

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước