Để đánh giá Luật Điện ảnh sau 10 năm thực hiện, Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã tổ chức “Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh” diễn ra tại Hà Nội ngày 1-12 và TP HCM ngày 7-12. Nhiều nhà sản xuất, phát hành đã đến dự và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng.
Thúc đẩy phát triển vượt bậc
Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, tính đến tháng 11-2016, cả nước có 450 doanh nghiệp tư nhân được phép sản xuất phim, trong đó khoảng 15 doanh nghiệp đầu tư thường xuyên, tích cực vào sản xuất phim điện ảnh, tạo ra 50%- 60% tổng sản lượng điện ảnh trong nước. Đó là điều chưa bao giờ có đối với điện ảnh Việt Nam trước khi Luật Điện ảnh ra đời. Nhờ có quy định thông thoáng nên thu hút được mọi nguồn lực đầu tư cho điện ảnh. Số lượng phim Việt trong 2 năm trở lại đây trung bình mỗi năm tăng khoảng từ 50%-60%. Cả nước có 145 rạp/cụm rạp với số lượng trên 500 phòng chiếu. Trong đó, số phòng chiếu thuộc tư nhân chiếm 80%. Điện ảnh Việt Nam cũng đã có những bước hội nhập quốc tế đáng kể...
Cảnh trong phim “Sài Gòn, anh yêu em”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Nhà sản xuất Phạm Văn Hải ghi nhận đây là thành công của Luật Điện ảnh. Chính sách xã hội hóa khiến thị trường điện ảnh sôi động hơn với hàng loạt công ty tư nhân ra đời. Những quy định của Luật Điện ảnh không làm khó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đại diện CGV cho biết không gặp bất kỳ khó khăn nào về luật trong suốt quá trình kinh doanh.
Doanh số thị trường điện ảnh Việt tăng nhanh, năm 2000, chỉ có 2 triệu USD nhưng đến năm 2015 đã lên hơn 100 triệu USD. Đây cũng là những con số trong mơ của điện ảnh Việt Nam trước khi có Luật Điện ảnh. “Dẫu vậy, với tiềm năng mà điện ảnh Việt có được, con số trên vẫn rất nhỏ” - bà Ngô Phương Lan nói.
Cạnh tranh không nổi với phim ngoại
Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công Ty TNHH Sản xuất - Quảng cáo Sóng Vàng, một số điều trong Luật Điện ảnh vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa bảo hộ cho nhà sản xuất Việt. Sự chênh lệch giữa thị trường điện ảnh Việt Nam và các nước trong khu vực dễ thấy phim Việt không đủ hay để cạnh tranh với phim nước ngoài. Nội dung phim còn bị giới hạn, không thoải mái sáng tạo. Về vấn đề phát hành phim cũng đang gặp khó do công ty vốn đầu tư nước ngoài chiếm số lượng rạp lớn, thỏa thuận tỉ lệ ăn chia đối với phim Việt chưa công bằng. “Vì gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phải thực hiện chính sách mở cửa nên nhà nước không thể cấm hay hạn chế nhập phim ngoại. Nhưng tôi nghĩ cơ quan quản lý có thể ban hành những văn bản dưới luật hoặc các chính sách để bảo hộ phim Việt” - bà Liên bộc bạch.
Phát biểu ngoài hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sản xuất Công ty Sena Film, cho rằng hoạt động phát hành phim trong nước không được hỗ trợ từ đầu, để cho doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài thống lĩnh. Đến nay, hệ thống rạp của Việt Nam gần 70% thị phần là của nước ngoài. Dẫu cho nguồn thu rất cao nhưng đa phần lợi nhuận đều chảy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài. “Hiện việc nhập phim nước ngoài giá không cao, thuế cũng chẳng đáng kể, nhà phát hành thoải mái nhập phim ngoại và sẵn sàng cắt suất phim Việt nào ít khách sau vài ngày trình chiếu ở rạp. Đây là thiệt thòi” - bà Thủy nhìn nhận.
PGS-TS Trần Luân Kim cho rằng Luật Điện ảnh bị khống chế bởi WTO nên không thể hạn chế nhập khẩu phim ngoại. Cơ quan quản lý nên tham khảo phía Trung Quốc làm thế nào mà khi vào WTO, họ vẫn giữ được tự chủ trong vấn đề hạn chế nhập khẩu phim ngoại, giữ được sự bảo hộ với điện ảnh nước nhà, nhờ đó ngành điện ảnh Trung Quốc thăng hoa. Bà Ngô Phương Lan lý giải rằng khi vào WTO, Việt Nam thỏa thuận không có hạn ngạch trong khi phía Trung Quốc có hạn ngạch.
Quỹ phát triển còn trên giấy
Vấn đề quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng được nhiều người đề cập. “Ở các nước khác mà cụ thể là Hàn Quốc, theo luật, các rạp chiếu phải trích 5% tiền vé đóng góp cho quỹ điện ảnh. Cơ quan quản lý dùng số tiền này để hỗ trợ các dự án phim nghệ thuật, phim có kịch bản lạ, ấn tượng của các đạo diễn trẻ, tâm huyết với nghề. Việt Nam chưa có chính sách gì để bắt buộc các nhà phát hành nước ngoài đóng góp cho điện ảnh Việt theo điều này” - bà Thủy đặt vấn đề .
Bà Ngô Phương Lan cho biết Cục Điện ảnh soạn thảo thành lập quỹ từ năm 2010. Bộ VH-TT-DL đã 2 lần trình Thủ tướng xem xét nhưng chưa thành lập được vì chưa xác định được nguồn vốn. Nếu không có nguồn vốn ổn định thì khó duy trì quỹ. Bộ cũng từng đề xuất trích 3% từ giá vé xem phim cho quỹ này nhưng không được chấp thuận vì các doanh nghiệp đã nộp thuế và vé xem phim cũng đã có đóng thuế, khó thu thêm. Hiện tại, quỹ này vẫn chỉ có thể ở tình trạng chờ.
Ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL - tổng kết rằng Luật Điện ảnh sẽ được sửa chữa, thậm chí sửa nhiều để phù hợp với nhiều bộ luật mới ban hành và tình hình thực tế. Bảo hộ điện ảnh nước nhà là cần thiết nhưng cũng phải phù hợp cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Nỗi lo kiểm duyệt
Theo nhiều nhà sản xuất, bất cập trong kiểm duyệt còn tồn đọng những quy định “bất thành văn” mà người trong nghề tự “né” chứ không cụ thể trong các điều luật. Khi làm phim kinh dị, nhà sản xuất tự hiểu cái kết không được có ma thật; phim hành động không quá bạo lực, nhiều máu hay các cảnh chém giết dữ dội; tội phạm không được chiến thắng cơ quan bảo vệ pháp luật... Những điều này khiến nhà làm phim luôn trong tâm thế phải tránh để phim của mình dễ dàng qua khâu kiểm duyệt. Nhà sản xuất Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thiện Production, mong muốn cơ quan quản lý thoáng hơn, gỡ dần các khúc mắc nói trên bởi những ràng buộc này đôi khi làm bó hẹp sự sáng tạo, nhà làm phim Việt hầu như không dám đụng vào chủ đề chính trị hay phim kinh dị, hành động quá thật.
Minh Khuê