Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hôm nay (14/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 10.
Sáng nay, tại buổi làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc ban hành Nghị quyết 42 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, cùng nỗ lực triển khai của Chính phủ và các cơ quan, đơn vị đã góp phần kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống của tổ chức tín dụng với tỷ lệ nợ xấu năm 2021 được duy trì dưới mức 2%.
Đáng chú ý, không ít tổ chức tín dụng đã tự xử lý được nợ xấu, xin lại nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản và đến nay không còn nợ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết số 42 và dự thảo Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 theo hướng phân tích, làm rõ thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ và lưu ý làm rõ các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đó là: tổng số nợ xấu theo phạm vi Nghị quyết 42, tổng số nợ đã xử lý được, số nợ xấu phát sinh sau khi nghị quyết có hiệu lực và tổng nợ còn đến 31/12/2021, nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của COVID-19, nợ xấu trong cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và ngân hàng là trái chủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất bổ sung nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết 42 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp tháng 5 tới theo hướng kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến ngày 31/12/2023, nhưng không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng so với Nghị quyết 42.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo tổng kết tiến độ, thời gian xây dựng, khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo trình Quốc hội xem xét ban hành thay thế Nghị quyết 42.
Chiều nay, cho ý kiến vào dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu một số ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ như: tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành dầu khí; tăng cường phân công, phân cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, đảm bảo hiệu lực, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực dầu khí; xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển dầu khí trong nước ở các vùng sâu vùng xa bờ, vùng tiềm năng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, các quy định của luật phải thống nhất về nguyên tắc xuyên suốt là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo an toàn cho người, tài sản, các nhà đầu tư cũng như các quyền lợi chính đáng của họ khi tham gia điều tra cơ bản hoạt động dầu khí; rà soát các quy định về hợp đồng dầu khí để đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, khả thi, sát với thực tế, gắn trách nhiệm trong việc phê duyệt, ký kết hợp đồng dầu khí; quy định rõ, cụ thể về vai trò quản lý nhà nước, vị trí, địa vị pháp lý và gắn rõ ràng với phạm vi quyền và gắn liền với nghĩa vụ, trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi là nhà đầu tư dầu khí độc lập ký hợp đồng dầu khí và khi thực hiện các nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.
Trước đó, phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, Quốc hội nhiệm kỳ này hết sức coi trọng công tác lập pháp, không chỉ "đánh trống ghi tên", đưa tên nghị quyết hay dự án luật mà xem xét rất kỹ lưỡng ngay từ đầu. Ví dụ như Luật Khám, chữa bệnh mặc dù rất quan trọng và cấp bách, nhưng phải 2 lần trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đủ điều kiện để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với tinh thần dự án nào chưa đủ điều kiện và chưa chín thì chưa xem xét. Cơ quan, Ủy ban nào vẫn đề xuất nhưng không thực hiện được thì phải chịu trách nhiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!