Xuất siêu 5,5 tỷ USD - Bức tranh không toàn màu hồng

Quỳnh Như - Vũ Anh - Quang Tuệ-Thứ năm, ngày 30/07/2020 06:06 GMT+7

VTV.vn - Trong nửa đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng, xuất siêu tăng vọt, đạt 5,5 tỷ USD, cao nhất 5 năm qua.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn, việc có được con số này được đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào bức tranh xuất nhập khẩu Việt Nam, nhìn vào từng chỉ số ngành hàng sẽ cho thấy nhiều tín hiệu khác của nền kinh tế.

Ngành hàng điện tử đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là ngành hàng đạt mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm nay khi đạt giá trị xuất khẩu hơn 19 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Khu công nghệ cao TP.HCM - nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp FDI sản xuất trong nhóm ngành hàng trên ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong 6 tháng qua, giá trị xuất khẩu tăng hơn 10%, đạt hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, ở một khía cạnh khác, dịch COVID-19 lại đem lại những tín hiệu tích cực cho khu vực này. Lý do vì các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI lớn đã có sự chuyển dịch nội bộ sang Việt Nam thời gian qua. 

Theo thông tin từ Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, khi dịch COVID-19 xảy ra, Intel đã chuyển một số đơn hàng từ nhà máy ở các nước khác như Malaysia, Trung Quốc sang Việt Nam, sự dịch chuyển này đã giúp Intel Việt Nam tăng giá trị sản xuất lên tới gần 40% so với trước. Chưa kể nhiều doanh nghiệp FDI đã và đang có kế hoạch mở rộng sản xuất tại đây.

Xuất siêu 5,5 tỷ USD - Bức tranh không toàn màu hồng - Ảnh 1.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là ngành hàng đạt mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Ảnh minh họa.

Về thị trường xuất khẩu, hiện Hoa Kỳ chính là thị trường chủ lực của Việt Nam, khi chiếm đến gần 26% tổng kim ngạch xuất khẩu với giá trị lên tới. Trong đó, ngành hàng điện tử, máy móc thiết bị là ngành hàng mà Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh nhất vào Hoa kỳ thời gian qua.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên trường chính sách công và quản lý Fulbright - việc tăng này là do Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, nhìn vào con số xuất siêu gần 5,5 tỷ USD, thực tế đây không phải là do tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh mà là do kim ngạch nhập khẩu giảm.

Số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ 2019 có tăng nhẹ 0,2 tỷ USD, tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu lại giảm gần 3 tỷ USD. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dự báo 6 tháng cuối năm, bức tranh xuất khập khẩu có thể sẽ giảm cả 2 chiều. Tuy nhiên, do Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong nước nên xuất khẩu vẫn giữ mức cao hơn, thuận lợi mang lại là giúp cân bằng cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối tốt hơn.

Tỷ lệ nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu sụt giảm

Trong tổng thể bức tranh nhiều màu sắc của xuất nhập khẩu Việt Nam, có mảng màu không mấy tích cực từ kim ngạch nhập khẩu. Theo đó, tỉ lệ nhập khẩu của nhiều loại hàng hóa là đầu vào của các ngành sản xuất đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Ví dụ như ngành dệt may, da giầy, kim ngạch nhâp khẩu nguyên phụ liệu giảm tới 14% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xơ và sợi dệt giảm mạnh đến 20%. Xăng dầu giảm đến 38%

Theo các chuyên gia, đầu vào những hàng hóa này giảm mạnh cho thấy những tín hiệu "đáng lo ngại" khi mà "động lực" sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn.

Tín hiệu "động lực" sản xuất trong nước đang yếu dần

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, việc sụt giảm nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị thời gian qua có 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, do các nguồn nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều bị tác động bởi dịch COVID-19, làm gãy chuỗi cung ứng.

Thứ hai, hiện nay các thị trường xuất khẩu đều chưa có tín hiệu tích cực trở lại, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Có thể nói, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất là trạng thái của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.

Xuất siêu 5,5 tỷ USD - Bức tranh không toàn màu hồng - Ảnh 2.

Một số ngành hàng chủ lực của Việt Nam đơn hàng giảm 30 - 40% so với trước. Ảnh minh họa.

Thực tế cũng cho thấy, một số ngành hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày... đơn hàng giảm 30 - 40% so với trước. Nhiều đơn vị thậm chí chưa có đơn hàng sau tháng 9. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là lúc Chính phủ phải có những giải pháp cấp bách nuôi dưỡng những nhà sản xuất trong nước.

Theo các chuyên gia, lúc này cần nhiều hơn các giải pháp đồng bộ để tăng "động lực" sản xuất trong nước và những chính sách này không chỉ có tác động trong ngắn hạn đến cuối năm, mà là cho cả các năm tiếp theo.

Còn đối với tự thân các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, giải pháp trong ngắn hạn hiện nay vẫn là bài toán kiểm soát chi phí, đưa ra các giải pháp để nhanh chóng thay đổi thị trường và sản phẩm mới.

Có thể thấy, cỗ xe kinh tế Việt Nam lại đứng trước nguy cơ khựng lại khi vừa mới sẵn sàng tăng tốc trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Việt Nam đến nay vẫn đang là "điểm sáng" trong khu vực và quốc tế về tăng trưởng kinh tế. Do vậy, theo các chuyên gia, các giải pháp để giữ động lực nền kinh tế, như xuất khẩu, FDI, dịch vụ nông nghiệp cần phải được xem xét cấp bách hơn nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước