Xuất khẩu thanh long giảm 3 năm liên tiếp

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 20/03/2023 14:24 GMT+7

VTV.vn - Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm 3 năm liên tiếp kể từ 2019.

Những ngày qua, thông tin về việc Trung Quốc - thị trường tiêu thụ phần lớn sản lượng thanh long của Việt Nam đang tiến tới, tự chủ nguồn cung trái cây trên báo chí trong và ngoài nước là mối quan tâm lớn của các vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu loại trái cây này.

Thậm chí, vài năm trở lại đây, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc đã tăng "thần tốc" và chạm mốc 67.000 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn vào năm 2021.

Con số này đã giúp Trung Quốc vượt qua Việt Nam, trở thành quốc gia có diện tích, sản lượng thanh long lớn nhất thế giới.

Thực tế điều này đã tác động đến kim ngạch thanh long xuất khẩu những năm gần đây của Việt Nam. Cụ thể số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm 3 năm liên tiếp kể từ 2019.

Cũng trong năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.

Điều chỉnh sản xuất tránh dư thừa thanh long

Có thể thấy, trong giai đoạn vừa qua, xuất khẩu thanh long Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên rủi ro càng cao.

Tại Bình Thuận, dù từ Tết Nguyên đán đến nay, giá thanh long bán tại vườn đã tăng cao trở lại, nhưng thanh long được giá sẽ kéo dài bao lâu, nhất là những tháng hè tới đây sẽ bước vào chính vụ thu hoạch thanh long với sản lượng tăng vọt?

Xuất khẩu thanh long giảm 3 năm liên tiếp - Ảnh 1.

Năm 2021 và 2022, thanh long đã rớt khỏi top những mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam. (Ảnh: VOV)

Để giảm bớt áp lực dư thừa sản lượng thanh long, giải pháp của bà con Bình Thuận là những điều chỉnh từ vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đi nhiều thị trường, không chỉ riêng Trung Quốc.

Tỉa cành, bón phân, hay phun thuốc, mỗi ngày, làm việc gì, ông Thạch (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cũng ghi chép lại trong sổ nhật ký. Thói quen này mang lại cho ông nhiều khoản lợi. Đầu tiên là nắm chắc chi phí đầu tư, và quan trọng hơn là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái thanh long, mà có kiểm soát được thì mới tính đến chuyện xuất khẩu mặt hàng trái cây này.

"Lô hàng của mình xuất đi, mình có chứng từ truy xuất nhật ký, lô nào mình làm gì mình biết. Nếu mình không ghi thì sau này quên hết", ông Lê Ngọc Thạch, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, chia sẻ.

Ông Thạch là nông dân cốt cán của hợp tác xã (HTX) thanh long sạch Hòa Lệ ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. HTX này đã gắn kết những nông dân trong vùng để cùng thống nhất là không chạy theo diện tích, sản lượng mà tập trung vào chất lượng thanh long. Như vậy nông dân dần chuyên nghiệp hơn, áp dụng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cùng với đó là thực hiện mã vùng trồng. HTX đứng ra bao tiêu thanh long như là cách để giữ nông dân tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng.

"Phải giữ uy tín với các công ty xuất khẩu, từ đó phát triển lên. Các bác nông dân cũng nhận ra vấn đề tham gia vào chuỗi thì có lợi thế hơn so với sản xuất riêng lẻ", ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Thanh long sạch Hòa Lệ, Bình Thuận, cho biết.

Đến lúc này, trong hơn 27.000 ha thanh long ở Bình Thuận đã có hơn 10.000 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện cả tỉnh Bình Thuận đã có hơn 600 mã số vùng trồng thanh long và hơn 300 cơ sở đóng gói được phê duyệt mã số.

"Phổ biến cho nông dân, sản xuất phải đảm bảo an toàn, kiểm soát dư lượng, tiến tới xây dựng mã số vùng trồng cũng như mã số cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu các nước nhập khẩu", bà Nguyễn Thị Phương Vinh, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận, cho hay.

Mỗi năm, sản lượng thanh long ở Bình Thuận khoảng 600.000 tấn. 20% sản lượng được tiêu thụ ở thị trường nội địa và có đến 80% xuất khẩu sang Trung Quốc theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc. Vì vậy, điều chỉnh sản xuất ở vùng thanh long Bình Thuận vẫn là không mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư theo hướng đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường. Đây là việc không dễ, nhưng khi gắn kết giữa nông dân với các HTX, các doanh nghiệp thu mua với sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan quản lý, việc điều chỉnh sản xuất là hoàn toàn có thể làm được.

Hệ lụy khi sản xuất thanh long không gắn với thị trường

Ngoài ra, xác định việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết để đáp ứng được nhu cầu đa dạng thị trường.

Tuy nhiên, bài học đắt giá trong nhiều năm qua ở Bình Thuận chính là vòng luẩn quẩn "trồng lên rồi lại phá bỏ", nguyên nhân chính là tiêu thụ thanh long bấp bênh do phụ thuộc vào một thị trường. Hệ lụy đang hiện diện ngay trên những vườn thanh long đã từng mang lại nguồn thu lớn cho nông dân.

Khô héo giữa cỏ dại, cả khu vườn vắng lặng. Nông dân đã bỏ mặc vườn thanh long suốt 3 năm xảy ra dịch COVID-19, bởi khi đó thanh long phải đổ bỏ do không tiêu thụ được…

Khu phố Nà Bồi, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, theo ước tính của người dân trong vùng, cứ 10 nhà có vườn thanh long, 7 - 8 nhà đã phá bỏ.

Bởi vậy, 2 tháng qua, dù thương lái ráo riết thu mua thanh long, dù giá thanh long khá cao từ 18.000 - 20.000 đồng/ kg, nhưng không ít nhà vườn đành nuối tiếc vì đã phá bỏ vườn thanh long.

"Rất tiếc nhưng bà con cứ để đó, cỏ mọc thì cho bò ăn hoặc để bán cho người khác", anh Nguyễn Thanh Hương, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, chia sẻ.

"Làm ra được hàng nhưng tiêu thụ không có, khiến bà con thua lỗ nên bỏ gần 70% diện tích", bà Lê Thị Thu Hương, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, cho biết.

Thấy thanh long có giá thì mở rộng diện tích. Đến lúc thanh long ứ đọng, rớt giá thì lại phá bỏ. Vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại suốt thời gian qua ờ Bình Thuận - vùng trồng thanh long lớn nhất nước.

Chẳng hạn, sau thời gian dài bế tắc đầu ra, gặp khó khăn về chi phí, diện tích thanh long ở Bình Thuận đả giảm đến 5.000 ha trong vòng 1 năm qua và hiện còn ở mức 27.000 ha. Chi phí từ lúc chong đèn đến khi thu hoạch trái lên đến 15 triệu đồng/sào. Trong khi đó, cứ lứa nào sản lượng nhiều, giá lại hạ.

"Không nằm giá ổn định được, nhiều khi làm ít như hiện nay thì giá được 16.000 - 17.000 đồng/kg, còn như trước đây khi chưa phá bỏ, làm nhiều thì chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg", ông Nguyễn Văn Cường, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, cho hay.

Do đó, hiện nay, ngành nông nghiệp đưa ra khuyến cáo không nên vì thấy thanh long được giá bán trong những tháng qua mà nông dân vội vàng mở rộng diện tích, nếu không, nguy cơ dư thừa thanh long trong những tháng tới là khó tránh khỏi, khi đó lại tái diễn chuyện phá bỏ vườn thanh long.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, việc xuất khẩu thanh long trong năm nay trước mắt sẽ chưa chịu ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phát triển nóng diện tích. Bởi năm 2022 nước này vừa trải qua một đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, do vậy nông dân Trung Quốc sẽ phải mất 2 năm trồng lại.

Mặt khác, sản lượng hiện cũng khó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của 1,4 tỷ dân nên cơ hội của thanh long Việt Nam ở thị trường này vẫn còn. Đây là thời điểm để nông dân và doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc phát huy lợi thế của mình về lợi thế trồng trái vụ, vượt trội về mẫu mã, chất lượng để tăng tính cạnh tranh ở nhiều thị trường.

Trung Quốc tăng diện tích trồng thanh long, sầu riêng Trung Quốc tăng diện tích trồng thanh long, sầu riêng

VTV.vn - Cuối tháng 2, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm - cao hơn Việt Nam 200.000 tấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước