Xuất khẩu tăng trưởng khuyến khích dòng vốn FDI nhiều hơn
FDI đăng ký mới đã tăng hơn 50% trong 5 tháng đầu năm 2024 lên gần 8 tỉ USD,
Trong báo cáo mới phát hành, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital nhận định, xuất khẩu cao hơn đang khuyến khích dòng vốn FDI nhiều hơn. FDI đăng ký mới đã tăng hơn 50% trong 5 tháng đầu năm 2024 lên gần 8 tỉ USD, tương đương 4% GDP. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia đều xây dựng nhà máy trong các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho hay, xuất khẩu máy tính xách tay và các sản phẩm điện tử gia dụng khác đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng đầu năm 2024. Số liệu này đã gấp đôi mức tăng trưởng xuất khẩu tổng thể 15% của cả nước và đang hỗ trợ dòng vốn FDI hiện tại từ các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Thực tế cho thấy, chủ trương khuyến khích vốn FDI hướng về xuất khẩu đã hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xuất khẩu, từng bước cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. FDI có vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần quan trọng vào hội nhập quốc tế.
Hơn thế, ngoài bổ sung nguồn vốn đầu tư, FDI góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, khai thông thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau với những sản phẩm chất lượng quốc tế. Qua đó, vừa góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới, vừa góp phần tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nhiều triển vọng cho ngành logistics
Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital đánh giá, nhờ vào hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024 đã làm cho khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển của Việt Nam ước tính tăng lên lần lượt là 40% và 30% so với cùng kỳ năm 2023.
Đầu năm 2023, các doanh nghiệp ở Mỹ và các nước phát triển khác đã cắt giảm đơn đặt hàng tại các nhà máy ở châu Á để giải quyết lượng hàng tồn kho tăng cao.
"Cuối năm 2023 sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu khi quá trình giảm tồn kho kết thúc. Đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 15%. Doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đường hàng không và đường biển đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là một lý do khiến cố phiếu của các công ty logistics tăng vọt trong năm nay", ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Giá cổ phiếu của các công ty logistics hàng đầu trong nước như Gemadept (GMD), Cảng Sài Gòn (SGP) và Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn tập trung vào thương mại quốc tế đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 20% của chỉ số VN-Index.
Ngoài ra, ông Michael Kokalari cho biết, khoảng 1/3 doanh thu của các công ty logistics tập trung vào thương mại quốc tế (trái ngược với các doanh nghiệp tập trung vào vận chuyển nội địa) có nguồn gốc từ việc vận chuyển hàng hóa.
Các hợp đồng được ký trong giai đoạn 2020-2021 hiện sắp kết thúc, vì vậy, VinaCapital kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu chung của các công ty đó gần như không đổi trong năm nay, bất chấp hoạt động vận chuyển tăng trưởng mạnh mẽ và phí xử lý cảng cao hơn.
Dù vậy, các nhà đầu tư đang nhìn xa hơn sự tăng giảm bất thường của giá cước vận chuyển hàng hóa và có niềm tin nhờ các yếu tố khác bao gồm triển vọng tăng phí cảng do Chính phủ quy định và việc tăng công suất, nâng cao hy vọng rằng Việt Nam có thể trở thành một trung tâm trung chuyển quốc tế như Singapore.
"Công suất tại khu phức hợp cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 60km, bao gồm các bến do Gemadept, Công ty CP Cảng Sài gòn và các công ty logistics khác sở hữu và vận hành, dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm tới, trong đó Gemadept sẽ tăng gấp đôi số bến mà họ vận hành tại Cái Mép - Thị Vải. Công suất tại khu phức hợp cảng nước sâu Lạch Huyện gần Hải Phòng do một số doanh nghiệp nhà nước sở hữu và vận hành dự kiến sẽ tăng gấp 1,5 lần vào năm tới, bao gồm việc dự kiến tăng công suất 80% vào cuối năm 2024", chuyên gia VinaCapital cho biết.
Chính phủ cũng đang xem xét xây dựng một cảng trung chuyển chuyên dụng tại Cần Giờ, gần Cái Mép - Thị Vải. Theo VinaCapital, điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh với Singapore và Hồng Kông về kinh doanh trung chuyển vì phí xử lý cảng của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng một nửa so với Singapore ngay cả sau khi tăng khoảng 10% phí xử lý cảng – đã có hiệu lực vào đầu năm nay. Ngoài ra, việc xây dựng Sân bay Long Thành đang tiến triển tích cực. Tất cả đều là một phần trong các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Michael Kokalari chia sẻ, VinaCapital xác định logistics là một trong những ngành có cơ hội đầu tư triển vọng nhất. Các nhà quản lý danh mục cổ phiếu niêm yết của quỹ đã tăng tỷ trọng vào cổ phiếu ngành logistics trong danh mục của các quỹ mở VinaCapital vào năm ngoái, vì đã dự đoán được sự sụt giảm thương mại của Việt Nam trong năm 2023 và phục hồi vào năm 2024. Điều này đã góp phần giúp cho các quỹ mở VinaCapital tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.
Thúc đẩy khu công nghiệp tăng trưởng
Khu công nghiệp đang có nhiều động lực phát triển
Chuyên gia của VinaCapital cho rằng, việc phục hồi xuất khẩu cũng giúp cổ phiếu ngành khu công nghiệp tăng giá. Đồng thời nêu rõ hướng tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai, các công ty có khả năng được hưởng lợi, đã tăng cường tiếp xúc và gia tăng vị thế cổ phiếu của cả các công ty logistics lẫn các công ty quản lý khu công nghiệp vào danh mục, giúp các quỹ mở VinaCapital tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.
Đồng thời, VinaCapital kỳ vọng sự phục hồi xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục sau năm 2024. Nguyên nhân là nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang thúc đẩy xuất khẩu trên khắp châu Á. Nhập khẩu của Mỹ cũng tăng trưởng với tốc độ đáng chú ý là 7% trong quý I/2024 và có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Ngoài ra, báo cáo của VinaCapital cho biết thêm, các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đang đẩy giá thuê khu công nghiệp lên cao, vì họ thường ít bị ảnh hưởng bởi giá thuê khu công nghiệp hơn so với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc hay nội thất./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!