Xuất khẩu ớt chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 02/04/2024 17:50 GMT+7

VTV.vn - Lần đầu tiên tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc, mở ra cánh cửa tiềm năng về xuất khẩu ớt chế biến thay vì xuất thô như trước.

Tại Hòa Bình, sau 2 năm địa phương chuẩn bị vùng trồng, chọn giống, chăm sóc theo quy trình đảm bảo chất lượng, quả ớt sau khi thu hái được chọn lựa kỹ, muối chua và đóng gói theo yêu cầu của nhà nhập khẩu Hàn Quốc.

"Công ty chúng tôi phải lựa chọn những quả ớt đạt tiêu chuẩn Hàn Quốc ví dụ về kích thước dài 6 - 8cm, không được dài hơn, không ngắn hơn. Quả ớt phải chọn màu sáng, sao cho khi muối lên đạt màu đẹp và ngon theo yêu cầu khách hàng", ông Nguyễn Lê Điệp - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tiến Ngân, Hòa Bình cho biết.

Trong năm 2024, dự kiến Hòa Bình sẽ xuất khẩu 150 tấn ớt muối chua. Tuy nhiên, nhu cầu của nhà nhập khẩu vẫn còn rất lớn, lên đến 4.000 tấn/năm, vì thế việc mở rộng vùng nguyên liệu là rất cần thiết để có thể đáp ứng thị trường Hàn Quốc.

Ông Soek Jeong Wook - Chủ tịch HĐQT Công ty Tomas Trade Co.ltd Hàn Quốc đánh giá: "Ớt là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn của người Hàn Quốc, trong khi đó Hòa Bình lại là nơi cho sản phẩm chất lượng tốt, vì thế chúng tôi muốn mở rộng vùng trồng để tăng sản lượng xuất khẩu".

"Chúng tôi đã xác định được giống ớt cụ thể phù hợp với từng địa phương, đất, canh tác và nhu cầu mong muốn của thị trường Hàn Quốc để sản xuất. Qua mô hình này chúng tôi sẽ lan tỏa đến các địa phương", ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình nói.

Xuất khẩu ớt chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc - Ảnh 1.

Lô sản phẩm ớt muối chua đầu tiên được xuất khẩu theo đặt hàng từ đối tác nước ngoài.

Những năm gần đây xuất khẩu nông sản Hòa Bình có nhiều khởi sắc. Sau mía, cam, bưởi, việc ớt muối chua được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ cho nông sản của tỉnh.

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho hay: "Khi nông sản vượt qua rào cản của các thị trường cao cấp, tự nó chứng minh được chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng trong nước, giảm bớt áp lực tiêu thụ khi mùa vụ dồn dập".

Tỉnh Hòa Bình cũng khuyến khích các vùng trồng nông sản chủ lực, doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các chuỗi liên kết, đầu tư công nghệ chế biến sâu để chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang xuất khẩu sản phẩm đã chế biến nhằm tăng sản lượng, gia tăng giá trị nông sản.

Sản xuất nông sản theo yêu cầu của thị trường

Nông sản Việt Nam đang được xuất khẩu đến hơn 185 quốc gia, vùng lãnh thổ và ngày càng có sức hấp dẫn lớn với các đối tác quốc tế. Việc chủ động xây dựng vùng trồng đạt chuẩn Vietgap, Globalgap, hữu cơ và chủ động sản xuất theo yêu cầu thị trường đang giúp nông sản Việt vươn xa, giúp nông dân ổn định thu nhập.

Những ruộng ớt chỉ địa của gia đình ông Đinh Quốc Chinh (Tổ 13 phường Dân Chủ, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đang thời kỳ cho thu hoạch. Trước đây trên mảnh đất này ông Chinh trồng lúa, từ khi liên kết với công ty, ông chuyển sang trồng ớt để xuất khẩu. So với lúa, ớt năng suất hơn, mỗi 1ha có thể cho thu hoạch đến 40 tấn. Ớt trồng gối vụ nên ông sẽ được thu hoạch quanh năm.

"Chúng tôi cũng trồng và chăm sóc cây ớt theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, công ty họ sẽ bao tiêu sản phẩm. Năm nay là năm đầu tiên trồng, nếu được mùa được giá, chúng tôi sẽ bỏ không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng ớt", ông Đinh Quốc Chinh nói.

Xuất khẩu ớt chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc - Ảnh 2.

Không chỉ ớt, rất nhiều loại nông sản của Việt Nam cũng đang có thế mạnh để thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.

Ớt chỉ địa là loại cây dễ trồng, không kén đất, khả năng sinh trưởng và kháng sâu bệnh tốt, ra hoa kết trái sớm và cho năng suất cao. Tuy nhiên, vì ớt được trồng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu nên yêu cầu trước tiên là phải chọn đúng chủng loại giống

Việc sản xuất ớt theo yêu cầu thị trường đang giúp nông sản Hòa Bình tiếp cận hình thái tiêu thụ mới, đó là không bán thứ mình có mà bán thứ thị trường cần. Không chỉ ớt, rất nhiều loại nông sản của Việt Nam cũng đang có thế mạnh để thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.

Với quỹ đất giàu dinh dưỡng, hiện các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc. Do vậy để nắm bắt cơ hội, các vùng trồng cần chuẩn hóa quy trình, nghiên cứu để nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thị trường.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước