Xuất khẩu hàng hóa khẳng định động lực tăng trưởng

PV-Thứ sáu, ngày 07/06/2024 07:15 GMT+7

VTV.vn - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2024, xuất khẩu ước đạt 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 43,69 tỷ USD, tăng 20,5%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,08 tỷ USD, tăng 13,3%, chiếm 72,1%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 54,95 tỷ USD, tăng 24,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 93,81 tỷ USD, tăng 14,9%.

Như vậy, với kết quả trên, tháng 5/2024 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD.

Nhận định từ các chuyên gia, việc nhập siêu quay trở lại là điều đáng quan tâm, nhưng có thể kỳ vọng do nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng mạnh. Qua đó cho thấy sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực hơn trong thời gian tới.

Tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng thủy sản là xuất khẩu cua ghẹ trong tháng 5 tăng gần 92% đạt trên 26 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%, chủ yếu nhờ các sản phẩm cua tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng nhập khẩu cua của Việt Nam.

Các chuyên gia thương mại khẳng định: Trong bức tranh kinh tế, một số điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu có thể kể tới như cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu.

Cùng đó, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023; các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi. Hơn nữa, xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Đặc biệt là nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Tỷ trọng các mặt hàng cần nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao (88,8%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Những kết quả có được là sự tích lũy trong một thời gian dài với các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Đáng lưu ý, FDI đăng ký mới đã tăng hơn 50% trong 5 tháng đầu năm 2024 lên gần 8 tỷ USD, tương đương 4% GDP. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia đều xây dựng nhà máy trong các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, xuất khẩu máy tính xách tay và các sản phẩm điện tử gia dụng khác đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng đầu năm 2024. Số liệu này đã gấp đôi mức tăng trưởng xuất khẩu tổng thể 15% của cả nước và đang hỗ trợ dòng vốn FDI hiện tại từ các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Tại phiên chất vấn các đại biểu quốc hội ngày 4-5/6 vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn, trên 73% do có lợi thế về vốn, công nghệ... nhiều năm nay.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt nguồn lực hạn chế, mới đang từng bước thâm nhập thị trường. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp công nghệ cao nên giá trị vượt trội hơn so với các mặt hàng nông sản của doanh nghiệp trong nước.

Bộ trưởng cũng cho biết doanh nghiệp FDI xuất khẩu phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong giai đoạn đầu vì chỉ có thu hút đầu tư FDI mới có điều kiện để hội nhập, học tập về kinh nghiệm quản trị, chuyển giao công nghệ cũng như tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, mục tiêu của Việt Nam trong hội nhập không phải chỉ là đo đếm bằng các FTA hay là đo đếm bằng các dự án nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, kể cả đo đếm bằng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên hàng năm.

"Thước đo ở đây là bằng sức khỏe của nền kinh tế đất nước, bằng sự hội nhập của chính doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu - đây mới là mục tiêu lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt tăng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng nguồn hàng chất lượng cao, ổn định để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ cũng thúc đẩy doanh nghiệp nội địa, đặc biệt doanh nghiệp lớn, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp trong nước nhất là công nghiệp hỗ trợ.

Tiếp đó, Bộ sẽ đa dạng hóa hỗ trợ khai thác FTA, hỗ trợ xuất khẩu qua thương mại điện tử; hỗ trợ thông tin, hướng dẫn, cảnh báo doanh nghiệp ứng phó với những vụ việc phòng vệ nước ngoài một cách hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành, địa phương tập trung hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu thực phẩm ở 3 cấp độ gồm thương hiệu ngành quy mô cấp toàn quốc trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại; sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, quy mô cấp địa phương; thương hiệu sản phẩm quy mô cấp doanh nghiệp trong Chương trình quốc gia Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nỗ lực để nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư để xuất khẩu tăng trưởng khả quan.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước