Ảnh minh họa. (Báo Hải quan)
Ông Trương Văn Tài - Xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang là một nông dân đã mấy đời trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã được mời đến tham gia hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ”.
Theo ông Trương Văn Tài: “Công ty nào ký hợp đồng với nông dân, năng suất thấp mà giá trị hợp đồng cao thì nông dân làm…”.
Nên tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng như ý kiến của người nông dân An Giang này, cũng trùng với kết quả và kiến nghị của nhóm thực hiện nghiên cứu. Kết quả của nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, trong khi lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 20% tổng sản lượng gạo tiêu thụ trong nước thì việc tập trung vào số lượng để xuất khẩu không còn phù hợp với tình hình hiện tại nữa.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế, Trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu: “Với tư cách là một nhà kinh tế, tôi cho rằng, xu hướng đẩy mạnh tối đa lượng xuất khẩu gạo như là một thành tích lớn cho ngành thương mại cũng như cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không còn phù hợp. Về lương thực, chúng ta quan tâm nhiều đến an ninh lương thực, còn về xuất khẩu phải có hiệu quả thực sự. Trong tương lai, khi năng suất cải thiện, đến 2030, lượng cung có thể vượt cầu, việc xuất khẩu gạo sẽ rất khó khăn. Chúng ta cần có sự thay đổi tư duy cũng như sự thận trọng ngay từ bây giờ”.
Xu hướng thương mại toàn cầu luôn biến động, do đó các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có lúa gạo cũng phải đáp ứng phù hợp với những thay đổi đó, chất lượng là một trong những yếu tố cạnh tranh cao. Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng đặt ra giải pháp kinh tế cần đảm bảo cho lợi ích người nông dân, đó là cần tính đủ chi phí sản xuất vào giá thành lúa gạo xuất khẩu và có cơ chế cho người nông dân tham gia ấn định giá thu mua lúa.
Hội thảo cũng là dịp chính thức ra mắt Liên minh “Vì quyền của người nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam”. Liên minh vừa được thành lập năm 2013, bao gồm các cá nhân, tổ chức nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu là vận động các giải pháp tăng hiệu quả của nông nghiệp Việt Nam, tăng thu nhập cho nông dân cũng như khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế.