Sau 5 năm thi công, nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với công suất thiết kế 1.200 MW đã chính thức hòa đồng bộ lưới điện quốc gia. Nếu như trước đây, công trình quy mô lớn như thế này sẽ do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm, thì nay doanh nghiệp cơ khí trong nước đã đứng vai tổng thầu.
Không chỉ khẳng định vai trò làm chủ với các công trình trọng điểm trong nước, việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng đang dần được khẳng định. Gói thầu gia công chế tạo, lắp đặt cơ khí tại dự án nhà máy phân bón tại Vương quốc Brunei, có tổng vốn đầu tư lên tới 1,3 tỷ USD là ví dụ điển hình. Việc xuất khẩu dịch vụ lao động có kỹ năng, kinh nghiệm đã đem lại giá trị cao hơn cho doanh nghiệp.
Hiện nhiều doanh nghiệp cơ khí có thể làm chủ các công trình trọng điểm. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Qua hoạt động của Lilama, ngoài hoạt động xây lắp, nó đã góp phần phát triển ngành cơ khí của Việt Nam, là ngành công nghiệp động lực có tính chất then chốt. Không chỉ xây dựng của chúng ta vươn ra ngoài, mà cơ khí của chúng ta cũng có khả năng vươn ra và làm chủ thị trường ở khu vực cũng như quốc tế", ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhận định.
Theo ước tính, quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam đến năm 2030 được dự báo ở mức khoảng 310 tỷ USD. Việc đổi mới, làm chủ khoa học công nghệ, vốn và thị trường, được cho là những yếu tố quyết định sự thành công và phát triển cho ngành cơ khí trong giai đoạn tới.
Tiềm năng ngành cơ khí Việt Nam VTV.vn - Là ngành công nghiệp xương sống của nền kinh tế nhưng ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu tiêu thụ trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!