Gần đây, Nga giảm bán dầu ra nước ngoài khi chỉ xuất khẩu 2,84 triệu thùng dầu/ngày. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Số liệu 4 tuần gần nhất cho thấy, Nga xuất khẩu khoảng 2,84 triệu thùng/ngày, giảm tới gần 1 triệu thùng/ngày so với mức đỉnh hồi tháng 5.
Chỉ tính riêng tuần trước, xuất khẩu dầu trung bình của Nga đạt 2,37 triệu thùng/ngày, tùy thuộc vào lịch trình của tàu và thời tiết. Việc bảo trì các cảng và đường ống cũng có thể gây gián đoạn xuất khẩu vài ngày.
Các số liệu trên cho thấy Nga phải tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Tuy nhiên, con số này thực tế vẫn tăng lên và chỉ giảm mạnh vài tuần gần đây. Nguyên nhân là do Saudi Arab gia hạn mức cắt giảm sản xuất tự nguyện, khiến Nga chịu sức ép hành động tương tự.
Hiện lượng dầu xuất đi từ các cảng phía tây giảm 420.000 thùng một ngày so với mức trung bình tháng 2. Dòng chảy từ các cảng ở biển Baltic và Biển Đen giảm 8 trong 9 tuần qua.
Đầu tháng này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết họ sẽ gia hạn việc giảm xuất khẩu sang tháng 9. Tuy nhiên, quy mô cắt giảm chỉ là 300.000 thùng một ngày, thay vì 500.000 thùng trong tháng này.
Việc Nga giảm xuất khẩu tác động chủ yếu đến khách châu Á. Trong 4 tuần tính đến hết 20/8, dầu Nga sang châu Á hiện còn trung bình 2,51 triệu thùng một ngày, giảm 100.000 thùng so với tuần trước đó. Ấn Độ hiện là khách mua lớn nhất với dầu Nga qua đường biển.
Nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu ước tính giảm còn 38 triệu USD trong tuần đến hết ngày 20/8, giảm 15% so với tuần trước đó. Cùng kỳ năm 2022, con số này vào khoảng 150 triệu USD.
Tại Saudi Arabia, sản lượng dầu dự kiến đạt trung bình 9 triệu thùng/ngày sau khi nước này tự nguyện đơn phương cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày để hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Việc cắt giảm sản lượng dầu ban đầu được công bố chỉ thực hiện trong tháng 7, nhưng sau đó đã được kéo dài sang tháng 8 và tháng 9.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung dầu thô từ nhóm OPEC+ đã giảm 1,2 triệu thùng/ngày, xuống 50,7 triệu thùng/ngày trong tháng 7, mức thấp nhất trong gần 2 năm qua.
Tuần trước, cả dầu thô Brent và WTI đã chấm dứt chuỗi 7 tuần tăng giá liên tiếp và quay đầu giảm 2% do giới giao dịch lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc sẽ tác động xấu đến nhu cầu dầu mỏ và chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ vẫn chưa kết thúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!