Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đạt trên 6,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với thị trường xuất khẩu, ngành da giày vẫn tập trung vào 5 thị trường chính. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 35%, tiếp đến là EU 26%, Nhật Bản và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc hiện chiếm 9% tỷ trọng và kim ngạch ngày một lớn, đây cũng là thị trường giúp ngành da giày có dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng, các nền kinh tế lớn cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành da giày Việt Nam, năm 2024 có khởi sắc. Đặc biệt, Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng giày dép, túi xách khác. Việt Nam là quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do, chiếm hơn 60% khối lượng thương mại toàn cầu.
Xuất khẩu da giày năm 2024 dự kiến đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước. Đặc biệt, ở khu vực Tây Nam Bộ và miền Trung Việt Nam vẫn còn nhiều lao động, chi phí nhân công rẻ, diện tích đất trống lớn… Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp tục phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành da giày của Việt Nam.
Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 ban hành theo Quyết định số 879/QĐ-TTG ngày 9/6/2014 đã xác định dệt may - da giày là 2 trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ ngành da giày phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang “thúc” các đơn vị liên quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành da giày giai đoạn 2021 - 2030.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, một số tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững như chính sách về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng... có thể được các thị trường nhập khẩu giày dép lớn của Việt Nam áp dụng ngay trong năm này và một vài năm tới sẽ tác động tới xuất khẩu của ngành, vì vậy việc tuân thủ là bắt buộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!