Một số doanh nghiệp ngành dệt may đã bắt đầu tìm kiếm, khai thác những thị trường ngách.
Xuất sang các thị trường chủ đạo tăng mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 2 chiều giữa Việt Nam và EU 6 tháng năm 2024 đạt gần 32,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với 6 tháng năm 2023
Hiện châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Thị trường này rất ưa chuộng nhiều ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; đồ gia dụng, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 4,28 tỷ USD. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực của châu Âu đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Điển hình là Hà Lan - thị trường xuất khẩu nhiều nhất, đạt trên 6,14 tỷ USD, chiếm 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ. Kế tiếp đó là thị trường Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng nhẹ 3,27%. Đứng thứ 3 là thị trường Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%. Xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, chiếm 7,96%, tăng 20,68%...
Được biết, thời gian qua, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu đạt trên 3,57 tỷ USD, chiếm 14,46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này, tăng 47,79% so với cùng kỳ năm 2023. Nhóm hàng điện thoại và linh kiện đứng thứ 2 về kim ngạch, tăng 7,49%, đạt trên 3,41 tỷ USD, chiếm 13,82%. Tiếp đến nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng vị trí thứ 3, đạt trên 3,12 tỷ USD, chiếm 12,65%; nhóm hàng Giày dép các loại đạt trên 2,68 tỷ USD, chiếm 10,87%, tăng 11,06%...
Đẩy mạnh khai thác thị trường mới nổi, thị trường ngách
Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030, châu Âu được xác định là một trong những thị trường quan trọng cho hàng hoá xuất khẩu. Theo đó đặt mục tiêu tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16 - 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các lợi thế của hàng hoá Việt Nam ở các thị trường "ruột" tại châu Âu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều rào cản hình thành như các yêu cầu, các quy định mới về tiêu chuẩn xanh, tiêu chi về chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...Hơn thế nữa là sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Tất cả các yếu tố đó gây ra những sự suy giảm và rủi ro.
Trên thực tế, thời gian qua, hàng hoá Việt Nam mới chỉ xuất khẩu tập trung ở khối Liên minh châu Âu (EU 27). Trong khi nhiều thị trường khác đầy tiềm năng doanh nghiệp chưa khai thác, vẫn còn đang bỏ ngỏ. "Việc phụ thuộc vào những thị trường truyền thống mà không khai thác thêm các thị trường mới sẽ khiến bài toán phát triển bền vững xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn", bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định.
Tại châu Âu, trong khi các thị trường truyền thống gặp khó khăn thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở những thị trường mới, thị trường ngách rất cao. Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…đã bắt đầu tìm kiếm, khai thác những thị trường mới nổi trên thế giới, trong đó có châu Âu.
Doanh nghiệp nên đẩy mạnh tìm cơ hội để khai thác một số thị trường mới
Theo bà Trang, doanh nghiệp nên đẩy mạnh tìm cơ hội để khai thác một số thị trường như Hungary, New Zealand, Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Bồ Đào Nha - tuy không phải là những thị trường lớn song vẫn có những cơ hội đối với xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nhất là nông sản. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hungary, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã và đang mở ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thương mại hàng hóa và đầu tư tại thị trường EU nói chung và Hungary nói riêng trong thời gian tới.
Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 đã định hướng phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường. Trong đó chú trọng đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Đông Âu, Bắc Âu...
"Vì vậy, mục tiêu của Bộ Công thương trong thời gian tới tại thị trường châu Âu là sẽ tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đồng thời, tiếp tục tổ chức đoàn doanh nghiệp sang nghiên cứu thị trường, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác sở tại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư. Song song với đó; tổ chức và tham gia các buổi hội thảo doanh nghiệp để quảng bá hàng xuất khẩu của Việt Nam, kết nối kinh doanh, đầu tư...", ông Phú nhấn mạnh./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!