Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam được xem là đột phá chiến lược quốc gia, là mũi nhọn nâng cao hiệu quả của mô hình tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới. Hiện Bộ Tài chính là cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù để phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam, với rất nhiều chính sách thí điểm quan trọng từng bước giúp Việt Nam tiến gần hơn đến với mục tiêu này. Ngay trong chiều 28/3, để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, Hội thảo về trung tâm tài chính Việt Nam đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận nhiều đóng góp tích cực của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo phương án lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đang xem xét thì khu vực Quận 1 sẽ trở thành một phần của trung tâm tài chính để phát triển các các dịch vụ tài chính truyền thống, khu vực Thủ Thiêm sẽ phát triển các thị trường tài chính mang tính đổi mới sáng tạo. Hai khu vực này sẽ được phát triển để bổ trợ cho nhau giúp xây dựng 3 cấu phần chính của 1 mô hình trung tâm tài chính là: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; Thị trường vốn và Thị trường hàng hóa phái sinh.
Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng: Phát triển hệ thống tiền tệ và ngân hàng quốc gia; xây dựng khung quản lý nhà nước hướng tới các chuẩn mực quốc tế; đột phá dịch vụ tài chính mới gồm ngân hàng số và Fintech.
Thị trường vốn: Phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, ưu tiên các chính sách cần thiết để nâng hạng thị trường.
Thị trường hàng hóa phái sinh: Hình thành và phát triển Sở Giao dịch Hàng hóa TP Hồ Chí Minh, liên thông với Sở giao dịch hàng hóa nước ngoài.
Là đầu tàu kinh tế, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, việc sớm hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp thu hút thêm các nguồn lực đầu tư.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XV cho biết: "Sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tạo điều kiện cho chúng ta có thêm động lực, thêm sàn để chúng ta huy động được nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực ở nước ngoài. Cho nên thành phố đang đầu tư hạ tầng, ngoài việc hạ tầng cho việc xây dựng, nó còn một cái rất quan trọng đó là hạ tầng công nghệ thông tin".
Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những bước chuẩn bị cụ thể cho việc xây dựng mô hình Trung tâm tài chính như: Cơ cơ pháp lý, sự chuẩn bị về con người, xây dựng hạ tầng cứng và mềm, và các quyết sách cụ thể của địa phương.
Về mô hình nào là phù hợp, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam sẽ không thành công nếu như "copy" bất kỳ mô hình nào đã có trên thế giới, mà cần phải xây dựng một Trung tâm tài chính có bản sắc riêng.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết: "Xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc riêng, trong đó tận dụng lợi thế so sánh của Việt Nam về kinh tế, về xã hội, đặc biệt về vị trí địa lý và địa chính trị. Khác với mô hình truyền thống thì có lẽ chúng tôi cũng đang nghiên cứu theo hướng ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay từ khi ban đầu như áp dụng fintech, blockchain, và tài chính xanh".
Đại diện bộ tài chính cũng cho biết, đến nay Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, là nơi trung chuyển từ 20-25% hàng hóa toàn cầu. Đây được xem là 1 cơ hội rất lớn để phát triển các dịch vụ tài chính đặc thù trở thành một trung tâm tài trợ thương mại ứng dụng blockchain của cả khu vực và thế giới.
Ngoài ra, với thế mạnh là một nước có thế mạnh xuất khẩu hàng nông sản và các sản phẩm truyền thống. Việt Nam cũng có thể xây dựng mô hình sàn hàng hóa ứng dụng công nghệ blockchain, NFT tài sản mã hóa, hợp đồng thông minh để tối ưu hóa các chuỗi giá trị, và giảm chi phí giao dịch, tạo sự khác biệt cho mô hình Trung tâm tài chính Việt Nam.
Đề xuất chính sách cần thiết cho trung tâm tài chính
Trung tâm tài chính là nơi có hạ tầng tài chính phát triển, tập trung nhiều tổ chức tài chính và lượng vốn lưu thông lớn, tạo nhiều lợi ích cho phát triển đất nước.
Trung tâm tài chính là nơi có hạ tầng tài chính phát triển, tập trung nhiều tổ chức tài chính lớn, lượng vốn lưu thông lớn. Để có thể trở thành điểm đến, nơi hợp lưu của các dòng chảy, mà ở đây chính là các luồng vốn thì không chỉ cần các chính sách điều hướng để thu hút các dòng vốn, còn cần hạ tầng đủ mạnh để đủ sức cho dòng chảy vốn lưu thông nhanh chóng, dễ dàng. Tức là cần hoàn thiện cả hạ tầng cứng và mềm để phát triển trung tâm tài chính.
Để thu hút các định chế tài chính quy mô, cũng như những dòng vốn lớn về trung tâm tài chính. Theo giới đầu tư, một trong những mối quan tâm hàng đầu, đảm bảo sự tự tin cho nhà đầu tư, chính là hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, thông thoáng, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.
Ông Trần Thanh Tân - Phó Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital cho hay: "Chúng ta nên xây dựng 1 hệ thống pháp luật như thế nào để đảm bảo là nó tương đồng với hệ thống pháp luật mà ở các trung tâm tài chính khác đang vận hành. Đặc biệt trong đó có vấn đề trọng tài kinh tế để phân xử tất cả các hoạt động liên quan của trung tâm tài chính".
Các chuyên gia cũng đề xuất, tập trung vào các thế mạnh của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Ví dụ như chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các fintech, tạo sự khác biệt với các trung tâm tài chính quốc tế khác trong khu vực. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam có lợi thế vượt trội, khi đã có gần 300 fintech đang hoạt động, tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
"Làm thế nào để tạo được 1 hệ sinh thái fintech, hỗ trợ họ phát triển một cách bền vững nhất. Cái thứ 2, về mặt AI. AI sẽ trở thành 1 công cụ trong những năm kế tiếp, tiếp tục ảnh hưởng rất là nhiều tới fintech. Như vậy làm thế nào để phát triển AI, để hỗ trợ nghiên cứu rõ hơn để đây là công cụ hỗ trợ cho fintech", ông Trường Bùi - Tổng Giám đốc Roland Berger Đông Nam Á chia sẻ.
Ông Arnaud Ginolin - Giám đốc điều hành và Thành viên hợp danh - Boston Consulting Group cho hay: "Cần có những chính sách ưu đãi để thu hút dòng vốn quốc tế vào những sản phẩm tài chính mà Việt Nam muốn ưu tiên phát triển ở tầm khu vực cũng như quốc tế. Ví dụ như giao thương quốc tế, hay thu hút FDI, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam. Bên cạnh đó, tài chính xanh, ngân hàng số và fintech cũng cần được chú trọng. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam có ưu thế vượt trội, với nguồn nhân lực chất lượng cao".
Đại diện các định chế tài chính hàng đầu tại Việt Nam cũng đề xuất có chính sách thử nghiệm, token hóa các sản phẩm tài chính, có khung pháp lý để có thể giao dịch các tài sản số để quản lý và tiếp cận các nguồn lực này một cách hiệu quả.
Ngoài ra, vấn đề nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính quốc tế cũng cần được chú trọng. Bên cạnh việc đào tạo nhân sự tại chỗ, thì cũng cần có các chính sách huy động nhân sự chất lượng cao, về làm việc.
Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI cho hay: "Có cách nào chúng ta thu hút được nhân tài về Việt Nam. Thứ nhất là visa lao động cho người nước ngoài. Thứ 2 là chấp nhận tất cả những bằng cấp ở nước ngoài được tương ứng với các giấy phép và bằng cấp tại Việt Nam. Tôi nghĩ đấy là những điểm ngay và luôn liên quan đến phần nhân sự có những rào cản tháo gỡ để kêu gọi nhân tài về Việt Nam".
Những chính sách đặc thù, cộng với cơ chế về ngoại hối phù hợp sẽ giúp Trung tâm tài chính Khu vực và quốc tế tại TP Hồ Chí Minh cũng như Đà Nẵng sớm được định hình.
Các chuyên gia đều cho rằng, đây là thời điểm "vàng" để Việt Nam xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế, việc ứng dụng công nghệ được cho sẽ tạo ra sự khác biệt, lợi thế riêng để Việt Nam dù có đi sau nhưng sẽ đi nhanh hơn để tiến tới mục tiêu này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!