Việt Nam đang triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Thông qua cơ chế bán trực tiếp, nhà sản xuất điện và đơn vị tiêu thụ sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng song phương và thực hiện theo cơ chế thị trường.
Đây là thông tin do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi tọa đàm: Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch” diễn ra vào chiều 10/7, tại Hà Nội.
Cơ chế này sẽ tạo động lực để khuyến khích: thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào trong phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện năng lượng tái tạo; tiến tới nhân rộng cơ chế trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tạo lập môi trường bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ nay tới sau năm 2023. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, thị trường điện của Việt Nam phát triển qua 3 cấp độ, trong đó cấp độ thứ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh, cấp độ thứ 2 là thị trường bán buôn và cấp độ thứ 3 là thị trường bán lẻ.
Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đang trải qua cấp độ thị trường phát điện cạnh tranh và đang triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, quá trình triển khai các công việc trên đã đạt được nhiều kết quả.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ nay tới sau năm 2023, sau 2023 sẽ chuyển dần việc Nhà nước điều tiết giá điện sang cơ chế xác định thông qua giá thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!