Đây vừa là vấn đề mang tính thời sự, vừa là xu hướng tất yếu để Việt Nam có thể bắt nhịp với sự phát triển bền vững của toàn cầu.
Không xanh hóa sẽ dần bị đào thải
Logistics xanh được hiểu là hành động làm giảm thiểu các tác động môi trường trong hoạt động logistics như giảm tiêu thụ năng lượng, giảm chất thải, sử dụng vật liệu tái chế... nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Bàn về câu chuyện này, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải… Trong đó, logistics xanh là một mắt xích quan trọng trong việc “xanh hóa” chuỗi cung ứng cũng như trong lộ trình phát triển bền vững Phát triển logistics xanh, bao gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh..., là lĩnh vực tiên phong vô cùng quan trọng của nền kinh tế.
Phát triển logistics xanh, bao gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh...
Hơn thế nữa, theo các chuyên gia, logistic là một trong những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn. Nhất là khi hệ thống logistics đang được tổ chức cục bộ, manh mún, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng phổ biến hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất và phương tiện cũ kỹ dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu cao, tăng phát thải khí CO2 ra môi trường. Do vậy, xanh hóa lĩnh vực này đang là vấn đề mang tính thời sự và là xu hướng tất yếu. Nếu không thực hiện được, các doanh nghiệp sẽ dần bị đào thải ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại.
“Xây dựng một ngành logistics bền vững và có khả năng thích ứng nhanh là rất cấp bách và là xu hướng tất yếu. Xanh hóa logistics không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp”, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khẳng định.
Thực hiện logistics xanh không phải con đường dễ dàng
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics. “Nước ta nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, là trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng hội nhập quốc tế sâu rộng và là thị trường mới nổi có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, có nhiều cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên quốc gia và mạng lưới giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ngày càng được đầu tư xây dựng và mở rộng, nhất là một loạt hệ thống đường cao tốc trọng điểm, hệ thống cảng biển như cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TP. Hồ Chí Minh - cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC…” bà Đoàn Thị Thu Trang - Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách Khoa Hà Nội) phân tích.
Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu logistics xanh không phải con đường dễ dàng, ngược lại có rất nhiều khó khăn. Trong đó, trở ngại đầu tiên chính là vấn đề hạ tầng cơ sở vật chất của ngành logistics hiện tại vẫn còn tương đối lạc hậu so với thế giới khi mà hệ thống đường bộ xuống cấp, hệ thống đường cao tốc chưa đồng bộ, thiếu kết nối dẫn đến tốc độ vận chuyển bị chậm trễ… Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kho bãi, đóng gói tuy có cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều nhà kho, trung tâm phân phối, ICD và đặc biệt là hệ thống kho bãi cảng vẫn còn lạc hậu. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam khó thực hiện được mục tiêu logistics xanh trong tương lai gần.
Trong khi đó, đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, năng lực của đội ngũ logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý đang ở trình độ thấp. Doanh nghiệp còn đối mặt với vấn đề tài chính để có thể chuyển đổi sang logistics xanh. “Doanh nghiệp lo ngại không đủ “lực” ứng dụng logistics xanh, hoặc khi ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ sẽ làm tăng chi phí đầu vào, từ đó giảm khả năng cạnh tranh và không sinh lời nên chần chừ”, ông Tô Hoài Nam cho biết thêm.
Từ thực tế đó, theo ông Nam, để thực hiện thành công mục tiêu xanh hoá, ngành logistics Việt Nam cần sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cần tìm hiểu và nâng cao nhận thức về logistics xanh. Chi phí ban đầu bỏ ra có thể lớn, nhưng về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, tăng lợi nhuận và phát triển bền vững.
Còn theo lãnh đạo VCCI, doanh nghiệp logistics cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng mới và sử dụng phương tiện bảo vệ môi trường. “Chính phủ xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xem xét có nhiều chính sách hơn để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh. Trong đó, chú trọng các cơ chế ưu đãi về thuế, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…”, ông Nguyễn Quang Vinh đề xuất.
Dưới góc độ của ngành Công thương, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), để phát triển dịch vụ logistics xanh, doanh nghiệp chú ý tận dụng triệt để các FTA thế hệ mới nhằm mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Bên cạnh các thị trường truyền thống nên nghiên cứu tập trung vào các thị trường khu vực ASEAN, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latin. Các doanh nghiệp logistics cần tiếp tục phấn đấu các chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra trong Quyết định số 221/2021 về kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến 2025.
Có thể thấy, áp lực “xanh hóa” đối với nền kinh tế nói chung và ngành Logistics nói riêng hiện nay rất lớn, đòi hỏi cao về mặt thời gian khi đến năm 2025, rất nhiều tiêu chuẩn của châu Âu sẽ có hiệu lực. Thời gian sẽ không chờ đợi bất kỳ một quốc gia hay một doanh nghiệp nào nên chỉ có hành động quyết liệt ngay từ bây giờ thì nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam mới "khoẻ" để vững bước phát triển, đón bắt được những cơ hội mới, vận hội mới./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!