Xanh hóa khu công nghiệp: "Kinh doanh trên đất, phải trả lại cho đất"

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 29/08/2024 14:24 GMT+7

VTV.vn - Khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn quan trọng của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững.

Muốn đầu tư phải… sinh thái

Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132.300 ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89.900 ha. Trong đó, 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Tính đến hết năm 2023, các khu công nghiệp đã thu hút trên 11.200 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 252 tỷ USD và khoảng 10.600 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,67 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho 4,18 triệu lao động trực tiếp.

Hiện nhiều khu công nghiệp và khu kinh tế đã trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới (Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa…)

Tuy nhiên, sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là những vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hiện nay.

Xanh hóa khu công nghiệp: Kinh doanh trên đất, phải trả lại cho đất - Ảnh 1.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài

Thực trạng này đã đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững trong thời gian tới với trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh dựa trên quản lý tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng và nguyên vật liệu…

Ngoài ra, việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh cũng trở thành yêu cầu bắt buộc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh và thực hiện cam kết tại COP 26 để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội", bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Khu công nghiệp thành điểm du lịch

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu công nghiệp sinh thái không phải là mô hình mới mẻ, mà đã được triển khai tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... từ những năm 1990. 

Tại Việt Nam, giai đoạn 2015-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai hỗ trợ 4 khu công nghiệp thí điểm chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công sinh thái, bao gồm: Khu công nghiệp Khánh Phú, Khu công nghiệp Gián Khẩu, Khu công nghiệp Hòa Khánh và Khu công nghiệp Trà Nóc 1,2.

Từ năm 2020 đến 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO dưới sự tài trợ của Thụy Sĩ để nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại 3 địa phương là Hải Phòng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó có những khu công nghiệp đã chủ động sử dụng nguồn vốn của mình để phát triển mô hình sinh thái. 

Xanh hóa khu công nghiệp: Kinh doanh trên đất, phải trả lại cho đất - Ảnh 2.

Không chỉ là một khu công nghiệp, Nam Cầu Kiền còn được công nhận là 1 trong 19 địa điểm du lịch của TP Hải Phòng

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết Nam Cầu Kiền đã đạt được tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn Nghị định 35 và tiêu chuẩn quốc tế ESG về khu công nghiệp.

"Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Việt Nam hoàn toàn mang dấu ấn bản địa được kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn", ông Điệp thông tin.

Với mục tiêu "kinh doanh trên đất, phải trả lại cho đất", theo ông Điệp, khu công nghiệp đã hình thành 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn (ngành luyện kim - cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện - điện tử). 

Cũng theo ông Điệp, tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động, liên tục, truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng 24/24 giờ các ngày trong tuần. 25% lượng nước thải trong khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỉ đồng chi phí mua nước sạch mỗi năm.

Nói thêm về nhà máy xử lý nước thải, ông Điệp cho biết đây là "trái tim" của khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Ông cho biết, bên cạnh việc xử thải không có bất cứ một mùi đặc trưng nào, nhà máy xử lý nước được xây dựng theo thiết kế công viên vườn Nhật, biến đây thành một điểm du lịch.

"Nam Cầu Kiên đã được Hải Phòng công nhận là một trong 19 điểm du lịch của thành phố", ông Điệp cho biết.

Cần cơ chế chính sách tạo… cảm hứng

Dù xanh hoá được xem là một xu hướng tất yếu song các khu công nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề đồng bộ pháp lý hay bài toán về vốn.

Xanh hóa khu công nghiệp: Kinh doanh trên đất, phải trả lại cho đất - Ảnh 3.

Dự án Tuabin điện gió với chiều cao 100m tại DEEP C Hải Phòng II

Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc Điều hành Khu công nghiệp Deep C (Hai Phong), cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là thiếu những quy định pháp luật phù hợp với thực tiến phát triển. Vì vậy, để xây dựng một khu công nghiệp xanh và sinh thái sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

"Ở thời điểm này, Việt Nam chưa có một chính sách ưu đãi nào dành riêng cho khu công nghiệp sinh thái trong khi chi phí đầu tư, thời gian đầu tư và công sức đầu tư vào những khu này cao hơn và lâu hơn. Đơn cử như để lắp đặt cột điện gió trong khu công nghiệp, Deep C phải mất 3 năm vì Việt Nam chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt trong khu công nghiệp. Hay để tái chế rác thải trong nội khu, chúng tôi cũng phải xin giấy phép thu gom và xử lý chất thải mới có thể thu gom từ các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp. Nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt thì kinh tế tuần hoàn sẽ rất khó vận hành và phát triển", ông Bruno cho biết.

Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất cho quá trình chuyển từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái là cơ chế pháp lý hiện nay chưa hoàn thiện.

"Tất cả các luật từ Luật Đầu tư, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai chưa đồng bộ để có thể xây dựng được hệ kinh tế tuần hoàn trong một khu công nghiệp", ông Điệp cho biết.

Xanh hóa khu công nghiệp: Kinh doanh trên đất, phải trả lại cho đất - Ảnh 4.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec - Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền

Tiếp theo, cơ chế chính sách để khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước phải có sự đồng bộ để họ liên kết với nhau, cùng xây dựng một hệ kinh tế tuần hoàn cũng như hệ doanh nghiệp cộng sinh trong khu công nghiệp.

"Các doanh nghiệp rất cần những cơ chế chính sách để tạo cảm hứng, ví dụ như: chính sách ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái ngang bằng khu kinh tế; nâng thời hạn sử dụng đất..", ông Điệp đề xuất.

Về vấn đề này, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận nguồn lực để chuyển đổi, đầu tư khu công nghiệp sinh thái là vấn đề lớn với doanh nghiệp. Với vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Hiếu cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục kết nối với quỹ, mạng lưới hỗ trợ về chuyển đổi KCN trên thế giới để hỗ trợ DN trong nước. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận các dòng tín dụng xanh.

Đối với hành lang pháp lý, bà Hiếu cho biết bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, tổng hợp và tham mưu cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến khu công nghiệp sinh thái. Theo bà Hiếu, cần có các quy định ở tầm luật về khu công nghiệp sinh thái thay vì cấp nghị định như hiện nay, để tháo gỡ các khó khăn về vốn, quy chuẩn, kỹ thuật...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước