Tòa nhà của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ). Ảnh: AP
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần đẩy nhanh hơn việc xóa nợ cho các nước đang phát triển nghèo hơn, đặc biệt là Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra lời kêu gọi này trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2022 không mấy sáng.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết, tình trạng sụt giảm do đại dịch gây ra trong năm 2020 khiến khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp, cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn.
Mức nợ ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm qua. Mặc dù tăng trưởng của các nền kinh tế thu nhập thấp được dự báo sẽ tăng lên 4,9% trong năm 2022 và lên 5,9% vào năm 2023, song thu nhập bình quân đầu người tại một số nước mới nổi và đang phát triển được dự báo vẫn dưới mức trước đại dịch trong năm 2022.
Chỉ riêng trong năm 2022, các quốc gia nghèo nhất đã phải đối mặt với khoản chi trả nợ trị giá 35 tỷ USD, rủi ro vỡ nợ đang gia tăng.
Chủ tịch WB Malpass kêu gọi cần phải giảm nợ sâu cho các nước nghèo hơn.
Trong ngày 11/1, Ngân hàng thế giới đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống rõ rệt trong năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp và chuỗi cung ứng chưa hồi phục.
WB dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 4,1% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm tiếp xuống còn 3,2% trong năm tới khi mà các chính phủ thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ vốn được ban hành trong thời gian đại dịch.
WB cũng lưu ý rằng lạm phát gia tăng, vốn ảnh hưởng nặng nề đến người lao động có thu nhập thấp, đã ghi nhận ở mức cao nhất kể từ năm 2008 tại các nền kinh tế phát triển và cao nhất kể từ năm 2011 ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!