Dù biết là tiền lãi và phạt trả chậm nếu không thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn là khá cao nhưng nhiều khách hàng cho biết họ rất sốc với con số 8,8 tỷ đồng.
Anh Đoàn Trung Nam - quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Tôi đã bị một lần và bị ngân hàng nhắc nhở, tuy nhiên sau đấy vẫn phải chịu hậu quả là chịu mức tiền trả rất nhiều. Lúc đầu biết thông tin đó qua mạng xã hội thì tôi đã không tin nhưng sau khi truyền thông vào xác nhận là có tôi thực sự rất sốc".
Trên các kênh thông tin của VTV, khán giả cũng vừa lo ngại, vừa bức xúc về cách tính toán dư nợ của ngân hàng. Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá đây là tình huống hiếm gặp bởi thường các ngân hàng sẽ khoanh nợ và có biện pháp xử lý sớm thay vì để gia tăng liên tục nhiều năm.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc công ty luật Anvi nhận định: "Gấp 10 lần, gấp trăm lần thậm chí gấp nghìn lần như thế này thì chúng ta hình dung chỉ cần 10% số nợ bị như vậy, nợ xấu của ngân hàng đã lên tới hàng trăm %. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật nợ xấu 10% là đã rơi vào trường hợp bị kiểm soát đặc biệt. Cho nên trường hợp này tôi nghĩ là nó chỉ hi hữu, cá biệt. Nếu ngân hàng lại có nhiều khoản nợ xấu kiểu này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của chính họ".
Ông Đức cũng đánh giá, rất có thể sự việc này là lỗi của phần mềm tính toán tự động. Mặc dù vậy, việc không nắm bắt kịp thời và để xảy ra tình huống này chắc chắn sẽ khiến nhiều khách hàng sẽ e ngại với thẻ tín dụng - một dịch vụ hỗ trợ thanh toán tiêu dùng vốn rất phổ biến và tiện lợi hiện nay.
Phóng viên VTV đã liên hệ với trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC, cơ quan này cho biết trên ứng dụng CIC hoặc trang chủ cic.gov.vn người dân có thể kiểm tra thông tin tín dụng của mình, liệu có khoản nợ nào không, trên thẻ tín dụng ở ngân hàng nào, từ đó có biên pháp xử lý kịp thời, tránh các rủi ro không đáng có.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!