Các doanh nghiệp đã sử dụng phương thức thanh toán giao tiền thì giao chứng từ D/P, rủi ro đã xảy ra khi hiện nay các doanh nghiệp này đang mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc.
Thực tế, có không ít doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu đã gặp tình huống mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc khi thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, Hiệp hội Điều Việt Nam đánh giá, trong lịch sử hơn 30 năm giao dịch quốc tế đây là lần đầu tiên nhiều doanh nghiệp đồng loạt gặp vụ lừa đảo lớn như vậy. Do đó sẽ phải kết hợp nhiều giải pháp cả trong và ngoài nước để giải quyết vụ việc, đồng thời hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong dài hạn.
Từ một câu chuyện thật xảy ra năm 2015, công ty Phúc Sinh Group cho biết đã gặp trường hợp suýt bị lừa với phương thức tương tự. Khách mua khi đó liên tục yêu cầu doanh nghiệp cung cấp mã vận đơn chuyển phát nhanh của bộ chứng từ gốc. Thực tế trong kinh doanh xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng từng gặp tình trạng tương tự khi cung cấp mã vận đơn cho khách mua sau đó bị mất quyền kiểm soát bộ chứng từ gốc.
"Một trường hợp rất là kinh điển và rất nhiều người gặp. Chính vì thế tôi đã viết thành một câu truyện ngắn, không được phép thông báo số vận đơn chỉ đến khi ngân hàng xác nhận mới thông báo. Chúng tôi giữ nguyên tất cả ý kiến ấy trong suốt 7 năm vừa qua", ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group cho hay.
Phân loại nhân hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh.
Từ kinh nghiệm của mình trong quá khứ, ông Thông cũng cho rằng, quan trọng nhất là tạm thời hoãn lại thời gian giao hàng với phía hãng tàu.
"Để ngăn chặn được thì cũng từ tư vấn của các chuyên gia trong ngành có thể nhờ đến các toà án, các trung tâm trọng tài. Vận dụng những yếu tố thuộc dạng khẩn cấp để ra phán quyết mà không cần sự có mặt của người nước ngoài", ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam cho hay.
Hãng tàu Cosco - một trong số các hãng tàu vận chuyển cho biết các chi nhánh của hãng đều phải làm theo thông lệ quốc tế. Do vậy, các doanh nghiệp cần đưa vụ việc này lên tòa án và cung cấp chứng từ của người bị hại, bên mua hàng nhưng trong thời gian ngắn khó đáp ứng kịp, nên cần có thời gian bổ sung bộ hồ sơ chứng cứ.
Hiện tại, phía Vinacas đã gửi công văn đến công ty mẹ của các hãng tàu để yêu cầu có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!